Là huyện đầu tiên trong cả nước đạt huyện nông thôn mới (NTM) nâng cao, đến cuối năm 2023 thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 80 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, xác định xây dựng NTM là hành trình không có điểm dừng, năm 2024, huyện tiếp tục gặt hái được nhiều thành quả quan trọng trong lĩnh vực phát triển kinh tế.
Được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2021, thời gian qua, cấp ủy chính quyền và nhân dân xã Tân Lập (Huyện Đầm Hà) đã huy động mọi nguồn lực, quyết tâm đạt chuẩn các tiêu chí để được công nhận xã NTM kiểu mẫu năm 2023. Với tiêu chí lĩnh vực xã NTM kiểu mẫu nổi trội, xã đã lựa chọn lĩnh vực sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Trên địa bàn xã hiện đã quy hoạch và hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung đối với các sản phẩm chủ lực, tiêu biểu, như: Khu sản xuất giống và nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính 239ha tại thôn Phúc Tiến của Công ty CP Thủy sản Việt Úc; Vùng nuôi nhuyễn thể tập trung tại Chương Bùn, Chương Ngậm, Thoi Dây 350ha; Vùng nuôi lồng bè cá biển tập trung Khu Thoi dây (cửa sông Tài Giàu) 65ha. Đáng chú ý, huyện Đầm Hà đang xây dựng Đề án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về nuôi trồng thủy sản tại thôn Phúc Tiến, xã Tân Lập với quy mô 399,62ha, đã được các sở, ngành tham gia ý kiến và Sở NN&PTNT đã trình UBND tỉnh xem xét cho ý kiến.
Xã cũng đã ứng dụng chuyển đổi số để truy xuất nguồn gốc sản phẩm đối với 100% các sản phẩm tham gia chu trình OCOP của tỉnh (Chân giò nướng Ba Miền, Dao Pản Ba Miền, Ruột Hàu SeaGold, Cây Tùng đen Ba Miền, Cá sông Đầm Hà). Toàn bộ sản phẩm chủ lực của xã đều đáp ứng tiêu chuẩn về ATTP. Tỷ lệ sản phẩm chủ lực xã được bán qua kênh thương mại điện tử đạt 100%.
Nhờ định hướng đúng trong phát triển kinh tế đã giúp địa phương tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương. Tiêu biểu: Công ty CP Thủy sản Việt Úc không ngừng mở rộng quy mô nhà xưởng, với 23 nhà sản xuất ương dưỡng ấu trùng, 36 ao tròn nuôi thử nghiệm con giống chịu nhiệt độ thấp, phù hợp với khí hậu mùa Đông của khu vực miền Bắc. Qua đó, đã tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho trên 100 lao động với thu nhập bình quân trên 10 triệu đồng/tháng.
Bà Hoàng Thị Kim Nhung, Quyền Chủ tịch UBND xã Tân Lập (huyện Đầm Hà), cho biết: Sau khi hoàn thành các tiêu chí NTM kiểu mẫu, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để nâng chất các tiêu chí, chỉ tiêu xã NTM nâng cao, đảm bảo tính bền vững trong xây dựng NTM. Trong lĩnh vực kinh tế, huyện tiếp tục phát huy hiệu quả của hợp tác xã hiện có và hình thành hợp tác xã mới và các tổ hợp tác trong các lĩnh vực, ngành nghề chăn nuôi, thủy sản, chế biến thực phẩm và trồng trọt có quy mô lớn, có tính chất hàng hóa, mô hình liên kết. Đồng thời, triển khai quy hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung.
Ngoài xã Tân Lập, xã Tân Bình cũng đã hoàn thành hồ sơ trình thẩm định, xét, công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2023. Dự kiến hết năm 2024, toàn huyện có 8/8 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao; 5/8 xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu. Đến năm 2025, huyện phấn đấu có thêm 1 xã đạt NTM kiểu mẫu; các xã còn lại củng cố nâng chất các chỉ tiêu, tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021- 2025; huyện Đầm Hà đạt huyện NTM kiểu mẫu.
Theo ông Hoàng Vĩnh Khuyến, Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà, khắc phục khó khăn chung, chương trình xây dựng NTM của huyện năm 2024 đạt và vượt kết hoạch đề ra. Trong đó, tổng sản lượng lương thực ước đạt 19.404 tấn, đạt 100,07% kế hoạch; diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 1.412,1ha đạt 119,67% kế hoạch; xây dựng thêm 5 sản phẩm OCOP, nâng tổng số sản phẩm OCOP toàn huyện lên 36 sản phẩm của 24 cơ sở…
Thời gian tới, huyện phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh và những lợi thế mới khi có đường cao tốc đi qua, cùng lợi thế của vùng đất thiên thời địa lợi phù hợp cho tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, hữu cơ kết hợp với phát triển du lịch, dịch vụ. Trong đó, phấn đấu phát triển mới ít nhất là 5 tổ chức kinh tế là doanh nghiệp và hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP; phát triển mới ít nhất 7 sản phẩm OCOP, tập trung đa dạng hóa và chế biến sâu các sản phẩm theo chuỗi sản phẩm chủ lực cấp huyện, tỉnh, quốc gia và các sản phẩm thế mạnh; được công nhận/chứng nhận mới ít nhất 8 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3-5 sao cấp tỉnh.
Đồng thời, tập trung phát triển sản xuất theo hướng sản xuất ứng dụng công nghệ cao ở các lĩnh vực thủy sản, chăn nuôi; lĩnh trồng trọt tập trung phát triển Đề án cây ăn quả, sản xuất các sản phẩm thực phẩm theo hướng hữu cơ, VietGAP (lúa, rau, cây ăn quả); lĩnh vực lâm nghiệp tập trung phát triển gỗ rừng trồng theo hướng bền vững, phát triển lâm sản ngoài gỗ giá trị kinh tế cao (quế hữu cơ, dược liệu dưới tán rừng theo chuẩn GMP…).
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút đầu tư, tạo mọi điều kiện để Cụm công nghiệp phía Đông Đầm Hà B sớm đi vào hoạt động; thực hiện tốt các chính sách xã hội; duy trì, nâng cao kết quả giảm nghèo, chất lượng đời sống của nhân dân; nâng cao năng lực của các cơ quan trong hệ thống chính trị; tăng cường trật tự kỷ cương, phòng chống tham nhũng, lãng phí; đảm bảo an toàn trật tự xã hội trên địa bàn.