Cụ thể hóa Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 27/11/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gắn với chủ đề công tác năm 2024 “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh” phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương, 6 tháng đầu năm, kết quả phát triển KT-XH của Bình Liêu đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Thực hiện hiệu quả nội dung nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, 6 tháng đầu năm giá trị sản xuất toàn huyện Bình Liêu ước đạt trên 1.075 tỷ đồng, bằng 100% kịch bản, bằng 113% so cùng kỳ năm 2023. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng của du lịch – dịch vụ. Cụ thể, ngành dịch vụ chiếm 56,36%, công nghiệp – xây dựng chiếm 21,02%; nông lâm nghiệp, thủy sản chiếm 22,62%. Trong đó, hoạt động XNK tăng mạnh với kim ngạch XNK ước đạt 67,6 triệu USD, tăng 46,07% so cùng kỳ.
Hạ tầng giao thông tiếp tục được quan tâm, đầu tư, nâng cấp, không chỉ phục vụ sản xuất, vận chuyển, trao đổi hàng hóa của người dân, mà còn hướng tới đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế cửa khẩu và kinh tế du lịch; tạo động lực cho 2 mảng sáng của kinh tế Bình Liêu tiếp tục bứt phá. Hết tháng 6/2024, địa phương cơ bản hoàn thành cải tạo nâng cấp đường liên xã Húc Động – Đồng Văn – Cao Ba Lanh kết nối với QL18C và đường giao thông liên xã Lục Hồn – Đồng Tâm – Hoành Mô có tổng chiều dài 55,87km. Công trình dự kiến bàn giao trong năm 2024.
Hiệu quả nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế thể hiện rõ ở năng lực điều hành, quản lý, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Trên cơ sở xếp hạng các chỉ số DDCI, PAR Index, SIPAS, DGI và DTI của năm 2023, huyện Bình Liêu tiếp tục nghiên cứu, đánh giá chuyên sâu, đẩy mạnh triển khai các giải pháp để duy trì các chỉ số đạt thứ hạng cao và cải thiện những chỉ số còn có vị trí khiêm tốn. Tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính đúng hạn của huyện và cấp xã đạt 100%; huyện hoàn thành 6/30 chỉ tiêu chuyển đổi số năm 2024; chính quyền cấp huyện và cấp xã thường xuyên cập nhật thông tin trên cổng chính quyền số zalo chính thức (OA) để cập nhật thông tin nhanh nhất đến người dân và doanh nghiệp.
Cụ thể hóa nhiệm vụ “Phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”, Bình Liêu là điểm sáng trong toàn tỉnh. Nửa đầu năm 2024, huyện tổ chức lễ đón bằng công nhận nghệ thuật trình diễn dân gian hát soóng cọ của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; tổ chức Ngày hội di sản then và hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy di sản diễn xướng then trong bối cảnh phát triển du lịch cộng đồng”; duy trì tổ chức các lễ hội truyền thống như Lễ hội đình Lục Nà, Hội Soóng cọ, Hội Kiêng gió; thành lập và duy trì hoạt động của các CLB văn nghệ truyền thống, hoạt động mặc trang phục dân tộc vào thứ hai và thứ sáu hằng tuần tại các trường học, nơi công sở…
Đẩy mạnh thực hiện chủ đề công tác năm và Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững, huyện dành nguồn lực, tập trung xây dựng và phát triển văn hoá, con người Bình Liêu phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và hiện đại; phát triển văn hóa, con người, gắn với phát triển du lịch, dịch vụ. 6 tháng đầu năm, Bình Liêu đón 80.000 lượt khách, doanh thu du lịch ước đạt 72 tỷ đồng.
Đánh giá kết quả phát triển văn hóa gắn với du lịch trong 6 tháng đầu năm, Trưởng Phòng VH-TT huyện Bình Liêu Mạc Ngọc Điệp cho biết: Để thực hiện mục tiêu đón 250.000 lượt khách theo kế hoạch của huyện, những tháng cuối năm, Phòng VH-TT sẽ tham mưu khai thác 2 sản phẩm du lịch mới, gồm đi bộ xuyên rừng tại xã Đồng Văn và bóng đá nữ Sán Chỉ tại xã Húc Động; đổi mới, làm phong phú các hoạt động trong Tuần Văn hoá – Du lịch, Hội Mùa vàng, Hội hoa sở năm 2024 gắn với chào mừng kỷ niệm 105 năm Ngày thành lập huyện; khai thác những cơ hội du lịch mới mở ra khi Hoành Mô (Việt Nam) – Động Trung (Trung Quốc) chính thức trở thành cặp cửa khẩu song phương, xây dựng các chương trình xúc tiến du lịch qua cửa khẩu. Bên cạnh đó, đẩy nhanh kế hoạch thực hiện đề án Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ gắn với phát triển du lịch.