Từ đầu năm 2024 đến nay, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh về nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục được triển khai quyết liệt. Nhờ đó, diện mạo các vùng quê trong tỉnh ngày càng khởi sắc; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên.
Trong Nghị quyết số 20-NQ/TU (ngày 27/11/2023) về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 có đề ra giải pháp củng cố, giữ vững thành quả xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững; xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu gắn với đô thị hóa đi vào thực chất. Cùng với đó, HĐND tỉnh thông qua nghị quyết về bố trí nguồn lực thực hiện các chương trình, trong đó phân bổ 981,947 tỷ đồng chi phát triển chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH, đảm bảo vững chắc QP-AN các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Trong đó, chi cụ thể cho chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi trên 429 tỷ đồng cho 62 dự án; chi cho chương trình xây dựng NTM trên 552 tỷ đồng, thực hiện 106 dự án. HĐND tỉnh cũng thông qua và ban hành 26 nghị quyết có liên quan về giao mục tiêu nhiệm vụ xây dựng NTM, phân bổ nguồn ngân sách cấp tỉnh thực hiện.
Song song với đó, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh chỉ đạo sát sao trong việc xây dựng, ban hành các quyết định, chương trình hành động, kế hoạch triển khai các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh… Đây là cơ sở để các đơn vị, địa phương tập trung hướng dẫn, triển khai các cơ chế hỗ trợ, thu hút đầu tư phát triển KT-XH vùng nông thôn.
Từ đầu năm đến nay, cùng với đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng KT-XH đảm bảo kết nối nông thôn, đô thị và kết nối vùng miền, thực hiện quyết định của tỉnh, trong giai đoạn 2024-2025 đầu tư 73 danh mục dự án cải tạo, nâng cấp, xử lý 31 ngầm tràn trên các tuyến huyết mạch; xây dựng 2 cầu bê tông cốt thép; nâng cấp 2 bến cảng. Các địa phương đang tích cực triển khai nội dung này, phấn đấu sớm hoàn thiện các hạng mục công trình. Đồng thời, tiếp tục triển khai các dự án giao thông liên tỉnh, liên huyện, như: Thi công, hoàn thành đưa vào sử dụng đường tỉnh 342 đoạn thuộc địa phận huyện Ba Chẽ; đường ven biển đoạn từ cầu Voi xã Vạn Ninh đến đường tỉnh 335 TP Móng Cái; đường dẫn cầu Bến Rừng thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh và các dự án giao thông do địa phương đầu tư; cùng với TP Hải Phòng hoàn thành đưa vào sử dụng cầu Bến Rừng…
Cùng với đó, hạ tầng thông tin truyền thông cơ sở, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, môi trường nông thôn và hạ tầng giáo dục, văn hóa, y tế… tiếp tục được quan tâm triển khai. Chương trình OCOP của tỉnh thời gian qua được quan tâm phát triển nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng sản phẩm và tổ chức đánh giá phân hạng. Đến nay, toàn tỉnh có 405 sản phẩm OCOP đạt từ 3-5 sao. Năm nay, dự kiến có 4 sản phẩm tiềm năng dự thi 5 sao cấp quốc gia; 178 chủ thể sản xuất có sản phẩm đạt từ 3-5 sao; 100% sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3-5 sao đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử như Postmart.vn và Voso.vn…
Toàn tỉnh cũng đã cấp được 63 mã số vùng trồng với tổng diện tích trên 1.528ha và 9 mã số cơ sở đóng gói; có trên 1.100ha cây trồng duy trì sản xuất theo quy trình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, trong đó có 322,35ha đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP; 90ha lúa và 329ha quế được cấp giấy chứng nhận sản xuất hữu cơ. Việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ đã giúp nâng cao giá trị sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp, giảm các nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường…
Để giúp người dân khôi phục sản xuất, nhất là sau bão số 3, thực hiện quyết định của UBND tỉnh về ban hành quy định, điều kiện, nội dung, mức cho vay ưu đãi để thực hiện chính sách tín dụng hỗ trợ ủy thác qua Ngân hàng CSXH trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh đã cấp kinh phí 287,9 tỷ đồng ủy thác qua Ngân hàng CSXH tỉnh triển khai tại 9 đơn vị cấp huyện (trừ Đông Triều, Uông Bí, Hạ Long, Cẩm Phả). Đến nay, ngân hàng đã cho 2.960 lượt khách hàng vay 260,11 tỷ đồng, đạt 90,32% kế hoạch. Nguồn vốn đã kịp thời hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất ngay sau bão, tạo việc làm, ổn định cuộc sống…
Trên địa bàn tỉnh, thu nhập bình quân đầu người của vùng đồng bào DTTS, biên giới, hải đảo năm 2023 đạt trên 73 triệu đồng/người/năm (tăng 1,7 lần so với năm 2020, cao hơn khoảng 1,23 lần so với thu nhập bình quân đầu người cả nước; cao hơn khoảng 2,8 lần so với mục tiêu chung đến năm 2025).
Đặc biệt, trong năm huyện Cô Tô đã hoàn thành 9/9 tiêu chí và 38/38 chỉ tiêu huyện NTM nâng cao. Huyện đang hoàn thiện hồ sơ dự kiến trình Hội đồng thẩm định Trung ương xem xét thẩm định công nhận trong quý II/2025 (đạt mục tiêu đề ra). Cấp xã có thêm 2 xã là Vũ Oai (TP Hạ Long) và Hải Tiến (TP Móng Cái) hoàn thành 19/19 tiêu chí và 75/75 chỉ tiêu, đang hoàn thiện hồ sơ, dự kiến tổ chức thẩm định và trình UBND tỉnh công nhận trong quý I/2025. Tính đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 54/91 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (vượt 9,5% Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh đề ra).
Đến nay, trên địa bàn có thêm 2 xã là Sơn Dương (TP Hạ Long) và Hải Xuân (TP Móng Cái) đạt 100% tiêu chí xã NTM kiểu mẫu và cũng đang trong lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ước hết năm 2024, có 25/91 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, vượt 2,47% Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh. Đối với 6 xã do các địa phương phấn đấu ngoài kế hoạch năm 2024 đạt tiêu chí xã NTM kiểu mẫu, đến nay cơ bản đạt các tiêu chí và đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét công nhận…
Xác định xây dựng NTM là hành trình không có điểm dừng, vì vậy, tỉnh tiếp tục đề ra mục tiêu cụ thể từng năm, tiếp tục chỉ đạo các địa phương cụ thể hóa để gặt hái nhiều hơn nữa những thành quả quan trọng trong phát triển KT-XH.