Các cấp HND của Quảng Ninh đã tư vấn, hỗ trợ nông dân hình thành các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn; đồng thời, giúp nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng cường hợp tác liên kết sản xuất, trao đổi thông tin về thị trường, giá cả, vật tư, phân bón…
Với mục tiêu nâng cao giá trị cho nông sản, nâng cao thu nhập bền vững cho người dân, thời gian qua HND huyện Vân Đồn đã chủ động tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên, nông dân tham gia phát triển các mô hình liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ nông sản.
Theo Chủ tịch HND huyện Nguyễn Văn Tuấn, HND huyện đã phối hợp cùng các phòng, ban chuyên môn, doanh nghiệp, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân tham gia vào các HTX, liên kết với doanh nghiệp trong nuôi trồng, chế biến thủy sản; đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất, xây dựng thương hiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, một số sản phẩm có thế mạnh của địa phương như hàu sữa, chả mực, bề bề, cá cơm, sá sùng… đã tham gia vào chuỗi sản xuất, chế biến sâu, nâng tầm giá trị thương hiệu, cũng như cải thiện thu nhập cho hội viên, nông dân. Đặc biệt, trong năm 2023, HND huyện đã đồng hành cùng các HTX trong xây dựng chính sách, mở rộng thị trường tiêu thụ, nhờ đó HTX Hàu sữa Vân Đồn, HTX Nuôi trồng dịch vụ đảo Phất Cờ, HTX Bảo Anh… đã ký kết được nhiều hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Với HND Tiên Yên, thực hiện chủ trương của huyện về phát triển thương hiệu gà Tiên Yên, HND huyện cũng tích cực vận động, kết nối cho các hộ chăn nuôi tham gia liên kết với doanh nghiệp, HTX về sản xuất, chế biến. Trong đó, hỗ trợ kết nối cung ứng con giống chất lượng; hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi theo hướng an toàn, sử dụng thức ăn thảo dược. Song hành cùng chính quyền hỗ trợ các HTX mạnh dạn đầu tư máy móc, công nghệ, đẩy mạnh chế biến sâu với các sản phẩm gà ăn liền, gà ủ muối hoa tiêu, gà ủ xì dầu, gà ủ dược liệu…
Nhằm hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế và liên kết theo chuỗi giá trị, các cấp HND trong toàn tỉnh đã tuyên truyền, tập huấn đến hội viên, nông dân các chủ trương, chính sách Trung ương, của tỉnh về kinh tế tập thể, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, tổ chức tập huấn chuyên sâu về liên kết sản xuất chuỗi giá trị cho hội viên, nông dân, thành viên HTX nông nghiệp của các địa phương: Tiên Yên, Hải Hà, Uông Bí, Đông Triều, Quảng Yên. Tổ chức cho hội viên, nông dân đi nghiên cứu, học tập mô hình liên kết sản xuất tại một số HTX tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.
HND các cấp cũng hỗ trợ vốn, kiến thức để các HTX, tổ hợp tác hoạt động; hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm; vận động các HTX, tổ hợp tác, hội viên, nông dân tham gia triển lãm, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ. Sản phẩm, hàng hóa tham gia triển lãm, hội chợ đã được xây dựng thương hiệu và quản lý chất lượng, phát huy được hiệu quả, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản đảm bảo tiêu chuẩn và trở thành hàng hóa bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh, góp phần tích cực thực hiện chương trình OCOP và chương trình xây dựng NTM ở địa phương.
Đến nay, toàn tỉnh có hơn 650 HTX, tổ hợp tác, trong đó các cấp HND đã trực tiếp tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập và định hướng hoạt động 99 HTX, 48 chi hội, 87 tổ hội nghề nghiệp, 42 CLB nông dân theo ngành nghề quy mô cấp huyện, cấp xã, cụm xã với gần 2.000 thành viên tham gia. Những mô hình sản xuất theo chuỗi tại các HTX đã phát huy hiệu quả tích cực, trở thành cầu nối liên kết nông dân với doanh nghiệp, kết nối nông dân với nông dân, hướng tới một nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững.