Phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ quan trọng, thúc đẩy, nâng cao các chỉ tiêu, tiêu chí trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Do đó, việc thực hiện hiệu quả các chủ trương, giải pháp của tỉnh đã tạo nên động lực mới về tái cơ cấu nông nghiệp; phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng NTM theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách
Nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, tỉnh đã chú trọng phát triển sản xuất, tổ chức lại sản xuất và nâng cao hiệu quả việc thu hút đầu tư vào khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào DTTS; từ đó, thúc đẩy sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp phát triển, đặc biệt là phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa…
Theo đó, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND (ngày 24/3/2021) về việc quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững. Nghị quyết đã tạo động lực mới cho người dân trong việc đổi mới phương thức sản xuất lâm nghiệp truyền thống với chu kỳ ngắn hạn, hiệu quả kinh tế thấp, quy mô nhỏ lẻ, sang phương thức sản xuất bền vững với chu kỳ kinh doanh dài hạn, gia tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích.
Tỉnh cũng ban hành nhiều chính sách dành cho khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó có Nghị quyết số 194/2019/NQ-HĐND ngày 30/7/2019 của HĐND tỉnh về việc ban hành chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh.
Theo Nghị quyết số 194, các đối tượng được hưởng chính sách là đơn vị đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đặc thù tỉnh khuyến khích đầu tư, như khu giết mổ gia súc, gia cầm và khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; các dự án nông nghiệp sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi và sản phẩm nông nghiệp OCOP; các dự án nông nghiệp hữu cơ. Trong đó, tùy vào từng loại hình, chủ dự án sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ về lãi suất, về tập trung đất đai, trang thiết bị nhà xưởng, cơ sở hạ tầng, giống, vật tư, truyền thông quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm… Sau hơn 3 năm triển khai nghị quyết, hiện có 28 đề án, dự án đã được phê duyệt, thụ hưởng chính sách hỗ trợ.
Xác định nguồn vốn là trợ lực quan trọng giúp nông dân ở vùng đồng bào DTTS, miền núi phát triển kinh tế, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 50/NQ-HĐND (ngày 13/11/2021) phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH, bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, gắn với xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 và Nghị quyết 96/NQ-HĐND (ngày 31/5/2022) điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết số 50.
Từ năm 2021 đến nay, tỉnh bố trí 240 tỷ đồng từ ngân sách ủy thác qua Ngân hàng CSXH thực hiện cho vay tại 67 xã, thị trấn. Ngay sau khi được cấp vốn, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh đã tổ chức phân bổ vốn cho các địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu của người lao động trên địa bàn. Toàn tỉnh đã có 3.475 lượt người dân tại các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo vay vốn với số tiền 258,5 tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập.
Kinh tế phát triển bền vững
Những cơ chế, chính sách của tỉnh đã tạo động lực phát triển cho các doanh nghiệp, HTX phát triển sản xuất hàng hóa đa dạng, mở rộng quy mô sản xuất theo hướng tập trung, nâng tầm được các sản phẩm chủ lực.
Anh Nguyễn Văn Tuyền, Giám đốc HTX Tuyền Hiền (huyện Đầm Hà) chia sẻ: Nhờ những cơ chế, chính sách hiệu quả của tỉnh, HTX có thêm nguồn vốn để mở rộng trang trại chăn nuôi giống gà bản địa của địa phương, tìm kiếm thêm đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay, mỗi năm HTX cung cấp 150.000-300.000 con giống và trên 20 tấn gà thương phẩm phục vụ thị trường, tổng doanh thu đạt 4 tỷ đồng.
Những năm qua, nhờ hàng loạt chính sách hỗ trợ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần tăng mạnh số lượng máy móc trên đồng ruộng. Không chỉ có máy làm đất, máy bơm nước, máy gặt, mà còn có thêm rất nhiều loại máy móc tiên tiến, như: Máy bay bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật; hệ thống tưới nước tiết kiệm, điều khiển từ xa; máy cấy, máy cuộn rơm, máy lên luống, máy gieo hạt…
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có 7.000 máy làm đất các loại, đáp ứng 95% diện tích canh tác; hơn 2.500 máy tuốt đập; 3.000 máy xay xát đáp ứng trên 95% nhu cầu sản xuất; trên 700 máy gieo sạ, đáp ứng khoảng 40% diện tích cấy lúa; tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu thu hoạch đạt trên 80%; tưới tiêu chủ động đạt 80% diện tích… Từ đó, đã góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng.
Với việc tiếp cận khoa học kỹ thuật và hệ thống máy móc, trang thiết bị đã giúp người dân chủ động, sáng tạo, thay đổi tư duy, hướng đến sản xuất bền vững. Các địa phương cũng chủ động hỗ trợ phát triển sản phẩm có lợi thế; bố trí nguồn lực tập trung, tăng hỗ trợ lãi suất, máy móc, nhà xưởng, thiết bị sản xuất, hạ tầng vùng sản xuất tập trung…
Cùng với đó, việc hình thành liên kết sản xuất thông qua các nhóm, tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp đã và đang tạo cơ hội cho các sản phẩm nông nghiệp, nhất là những nông sản chủ lực, tiêu biểu phát triển bền vững, có đầu ra ổn định hơn.
Với những thành quả trong phát triển kinh tế đã tạo động lực để Quảng Ninh tiếp tục hành trình xây dựng NTM kiểu mẫu, NTM thông minh; chú trọng phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa, ứng dụng cao nghệ cao. Qua đó, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương; hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, bền vững; nâng cao thu nhập và chất lượng sống cho người dân.