Với đường bờ biển dài và gần 60.000ha mặt nước biển trải dài từ TX Quảng Yên đến TP Móng Cái, Quảng Ninh sở hữu những lợi thế nổi trội để phát triển các hình thức nuôi lồng bè mà rất ít địa phương trong cả nước có được, đặc biệt là phát triển các hình thức nuôi lồng bè, giàn bè với nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, quy mô nghề nuôi biển của tỉnh vẫn manh mún, nhỏ lẻ. Thực tế này đòi hỏi cần có sự thay đổi và mô hình khu nuôi biển đa canh, đa giá trị tại huyện Vân Đồn đang là hướng đi mới, đầy triển vọng để vừa phát triển bền vững ngành thủy sản, vừa thúc đẩy phát triển du lịch tại địa phương.
Hiện toàn tỉnh có 104 doanh nghiệp và HTX nuôi trồng thuỷ sản, trên 10.300 cơ sở nuôi trồng thuỷ sản. Trong đó có gần 2.850 cơ sở nuôi biển (chiếm 27% tổng số cơ sở nuôi toàn tỉnh); sản lượng nuôi biển hàng năm khoảng 45.000-50.000 tấn (chiếm 50-55% tổng sản lượng nuôi trồng thuỷ sản).
Tuy nhiên, nuôi trồng thuỷ sản biển của tỉnh vẫn đang gặp một số khó khăn, như: Chưa có thiết kế mẫu hệ thống bè, cụm bè, hạ tầng phục vụ nuôi trồng thuỷ sản biển áp dụng cho từng đối tượng nuôi hay cho cơ sở nuôi trồng hỗn hợp; vật liệu nổi trong nuôi trồng thuỷ sản biển chủ yếu là gỗ, tre; hệ thống vệ sinh, hệ thống xử lý nước thải xả trực tiếp ra môi trường chưa đảm bảo theo quy định; đối tượng nuôi chưa đa dạng, chưa có quy trình nuôi rong biển hoặc nuôi rong biển kết hợp nhuyễn thể và cá biển; tổ chức sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết, hiệu quả thấp, chủ yếu sản xuất theo hộ gia đình chiếm đến 99% và chưa có nhiều doanh nghiệp lớn có tiềm lực về tài chính, khoa học công nghệ đầu tư dẫn dắt chuỗi giá trị sản xuất…
Nhằm khai thác và phát huy thế mạnh, tận dụng đối đa lợi thế cạnh tranh, tập trung giải quyết khó khăn, vượt qua thách thức, năm 2022 Chi cục Thủy sản Quảng Ninh (Sở NN&PTNT) phối hợp với Công ty CP Tập đoàn STP nghiên cứu, thiết kế và thử nghiệm Mô hình khu nuôi biển đa canh, đa giá trị tại đảo Phất Cờ (xã Hạ Long, huyện Vân Đồn).
Ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) cho biết: Trong điều kiện nuôi thủy sản nói chung, nuôi biển nói riêng đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường biển, ảnh hưởng hệ sinh thái từ chính quá trình nuôi, việc nuôi xen canh để các đối tượng nuôi tương trợ giúp giảm ô nhiễm môi trường biển, nâng cao năng suất, giảm thiểu rủi ro, tạo ra sản phẩm vệ sinh an toàn thực phẩm chính là hướng phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững. Mục tiêu triển khai mô hình là thiết kế mô hình nuôi trồng thủy sản biển mẫu để các cơ sở nuôi biển có thể áp dụng, nhân rộng nhằm quy chuẩn hoá quá trình nuôi hỗn hợp, quy trình nuôi biển kết hợp du lịch trải nghiệm và giáo dục cộng đồng để nâng cao năng suất, sản lượng và hiệu quả sử dụng mặt nước, góp phần tăng thu nhập cũng như gắn kết giữa phát triển thủy sản với bảo vệ hệ sinh thái biển.
Mô hình được thiết kế bao gồm 4 khu vực chính: Khu 1- Nhà điều hành; khu 2 – Nuôi trồng thủy sản (nuôi cá biển, nuôi hàu Thái Bình Dương, nuôi rong biển); khu 3 – Tiền chế biến; khu 4 – Du lịch (khu câu cá giải trí, khu check in, khu nhà nghỉ, bể bơi). Các khu vực được liên kết với nhau bằng hành lang, các đối tượng nuôi thủy sản nuôi xen canh nhằm hạn chế lây nhiễm bệnh, tương trợ lẫn nhau nhằm bảo vệ môi trường biển và nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Năm 2022, mô hình triển khai thử nghiệm 10ha. Dự kiến năm 2023-2025 xin chủ trương UBND tỉnh 2 khu vực tại TP Cẩm Phả và TP Hạ Long với diện tích khoảng 150ha.
Điểm nổi bật là toàn bộ 24 lồng nuôi được áp dụng vật liệu HDPE, inox 304 rất thân thiện với môi trường, bền vững, chịu được nước biển và đảm bảo sóng gió; đối tượng nuôi với đa loài thủy sản, như: Cá song, cá giò, cá vược, cá chim vây vàng, nuôi hàu Thái Bình Dương kết hợp nuôi rong biển… Việc nuôi kết hợp giữa các loài đã phá thế độc canh của con hàu, tạo ra một ngành hàng mới có giá trị là rong sụn. Đến tham quan khu vực này, du khách được trao đổi kinh nghiệm thiết kế, vận hành mô hình, quản lý mô hình nuôi. Đồng thời, có được trải nghiệm câu cá trên bè và thưởng thức những sản phẩm do tự tay mình khai thác, chế biến.
Mô hình khu nuôi sử dụng tối đa tài nguyên mặt nước, đưa năng suất, sản lượng tăng gấp 1,5-2 lần so với nuôi biển thông thường (10-20 tấn/ha/vụ). Chi phí nhân công giảm được 1/2, tái sử dụng vật liệu trên 50%, giảm chi phí bảo trì bảo dưỡng. Sau hơn một năm triển khai, đánh giá kết quả cho thấy, việc nuôi cá biển, hàu Thái Bình Dương theo mô hình này vừa có mật độ cao hơn 1,2-1,5 lần so với mô hình đơn lẻ, vừa không gây ô nhiễm môi trường do lượng chất thải ra đã được rong biển hấp thụ, hạn chế dịch bệnh. Nuôi rong theo mô hình này rong cũng lớn nhanh hơn, thời gian giảm xuống 1,5 lần, nâng cao tỷ lệ sống lên 1,3 lần so với nuôi rong đơn lẻ, nhờ đó nuôi được nhiều vụ trong năm, chất lượng rong tốt, bảo đảm môi trường biển. Lượng du khách đến tham quan, trải nghiệm và sử dụng dịch vụ ngày càng tăng. Thống kê cho thấy, thu nhập mang lại từ mô hình đạt 80-100 triệu đồng/ô lồng/vụ. Nhờ kết hợp cả nuôi biển và phát triển du lịch, mô hình đã mang lại việc làm, hiệu quả kinh tế ổn định cho các hộ dân của HTX Phất Cờ.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, khẳng định: Mô hình khu nuôi biển đa canh, đa giá trị của Quảng Ninh đang là điểm sáng trong cả nước. Việc đẩy mạnh tích hợp nhiều ngành kinh tế biển khác nhau vào với nhau thì chắc chắn trong tương lai không xa sẽ có ngành kinh tế biển phát triển bền vững và hiệu quả. Để làm được điều này, các tỉnh cần sớm có giải pháp phát triển hài hòa giữa du lịch và nuôi thủy sản biển, phát triển du lịch cộng đồng ở các vùng nuôi biển.