Thủy sản có vị trí quan trọng và đóng góp trên 55% giá trị sản xuất trong cơ cấu ngành nông, lâm ngư nghiệp của tỉnh. Để phát huy thế mạnh này, mới đây Sở NN&PTNT Quảng Ninh đã triển khai Đề tài: “Ứng dụng thử nghiệm mô hình cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản trên biển bằng vật liệu theo quy chuẩn kỹ thuật địa phương tại tỉnh Quảng Ninh”. Mô hình hiện đang thí điểm tại TX Quảng Yên, nếu khả quan sẽ mở ra hướng đi mới trong phát triển nuôi trồng thủy sản của tỉnh.
Đề tài “Ứng dụng thử nghiệm mô hình cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản trên biển bằng vật liệu theo quy chuẩn kỹ thuật địa phương tại tỉnh Quảng Ninh” được Sở NN&PTNT tỉnh xây dựng với 6 nhóm mục tiêu hướng đến, đó là: Kết cấu nhẹ, chắc chắn; đảm bảo tính đồng bộ với hệ thống nhà điều hành; sửa chữa theo modul; nâng cấp theo từng hạng mục đảm bảo hệ thống đồng bộ; thu hồi và tái chế sản phẩm cũ, không tạo nguồn thải; giá thành phù hợp. Mô hình này sử dụng vật liệu composite bảo vệ kết cấu chịu lực và phao nổi trong hạ tầng nuôi trồng thủy sản trên biển để dần thay thế các bè nuôi cá lồng do ngư dân sản xuất theo kinh nghiệm, tự phát, không còn phù hợp với quy hoạch vùng nuôi hiện nay.
Ông Ngô Tất Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, chia sẻ: Để thực hiện mô hình này, Sở NN&PTNT đã chuẩn bị trước đó hơn 2 năm. Trong quá trình làm nghiên cứu cho thấy vẫn còn thiếu nhiều quy chuẩn kỹ thuật kể cả cấp nhà nước và cấp địa phương. Xuất phát từ thực tế đó, Sở đã mạnh dạn đề xuất Đề tài khoa học “Ứng dụng thử nghiệm mô hình cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản trên biển bằng vật liệu theo quy chuẩn kỹ thuật địa phương tại tỉnh Quảng Ninh”.
Với cách thức tổ chức liên cụm, mô hình cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản trên biển bằng vật liệu theo quy chuẩn kỹ thuật địa phương tại tỉnh Quảng Ninh được Sở NN&PTNT tỉnh thiết kế theo hình thức Lego. Với cách thiết kế này có thể lắp ghép thuận tiện và nối dài, mở rộng thêm hạ tầng nuôi biển ở bất cứ khu vực nuôi trồng nào trên địa bàn. Mặt khác, khi làm đồng bộ, ứng dụng của mô hình này còn có ưu điểm là di chuyển rất thuận tiện và luân chuyển đồng bộ để các hộ nuôi thủy sản hoàn nguyên môi trường điểm nuôi sau khi thu hoạch vụ đầu. Để đảm bảo tính thực tiễn của Đề tài, trong tháng 5 này, Sở NN&PTNT tỉnh sẽ tiến hành vào lưới và thả cá ở đây để chạy thử sản xuất, qua đó đánh giá toàn diện được những mặt ưu điểm và tồn tại để có giải pháp điều chỉnh cho phù hợp trước khi đưa ra ứng dụng đại trà.
Năm 2020, tỉnh đã ban hành Quy chuẩn địa phương về vật liệu nổi trong nuôi trồng thủy sản và đã quyết liệt chỉ đạo việc thay thế phao xốp sang vật liệu nuôi biển mới, thân thiện môi trường. Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục xây dựng Quy chuẩn địa phương về cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển với 6 nhóm quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, ứng dụng KHCN, xử lý môi trường, quản lý số hóa việc sản xuất, vừa đáp ứng được quản lý sản xuất của trang trại, vừa đáp ứng được yêu cầu quản lý tổng hợp của ngành Nông nghiệp.
Ông Đỗ Hồng Hưng, Phó Phòng Kinh tế TX Quảng Yên, cho biết: Đối với TX Quảng Yên, sau khi thực hiện giao mặt biển theo quy hoạch phục vụ cho sản xuất thì sẽ đưa những mô hình phù hợp theo quy chuẩn kỹ thuật địa phương đã được UBND tỉnh ban hành vào thực hiện. Đối với những bè nuôi cá sử dụng bằng vật liệu không phù hợp theo quy chuẩn, địa phương sẽ tiến hành thay thế bằng các vật liệu nổi hợp quy và các mô hình ứng dụng phù hợp với quy định của thị xã. Hiện nay, Sở NN&PTNT đang làm mô hình cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản trên biển bằng vật liệu theo quy chuẩn kỹ thuật địa phương tại tỉnh Quảng Ninh để đánh giá và khuyến cáo người dân nuôi biển đưa áp dụng. Sau khi có kết quả, TX Quảng Yên sẽ nhân rộng mô hình này để từ đó tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân thực hiện nhằm hướng đến nuôi biển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái.
Qua thời gian tích cực triển khai, 9 địa phương ven biển của tỉnh đã chuyển đổi được hơn 6,015 triệu phao xốp sang vật liệu nổi hợp chuẩn quy, đạt 97,8% kế hoạch. Để hướng đến phát triển bền vững kinh tế thủy sản, nuôi biển theo hướng tăng trưởng xanh, xây dựng Quảng Ninh trở thành trung tâm nuôi biển của Miền Bắc, tỉnh sẽ tiếp tục ưu tiên xây dựng đồng bộ và nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng đa mục tiêu trong lĩnh vực nuôi biển và kinh tế biển, nhằm bảo đảm lợi ích kép trong phát triển, gắn với bảo vệ môi trường, đồng thời tăng mạnh giá trị và sản lượng thủy sản nuôi trồng trong cơ cấu của ngành.