Với con số tăng trưởng 7% trong quý IV được nhiều chuyên gia dự báo, tăng trưởng GDP cả năm 2023 nhiều khả năng sẽ đạt khoảng 5%. Dù thấp hơn mục tiêu đề ra là 6,5% nhưng đây vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trên thế giới và khu vực.
Chuyển biến tích cực
Kinh tế Việt Nam 3 quý đầu năm 2023 tiếp tục thể hiện đà phục hồi khả quan thể hiện ở nhiều chỉ tiêu, chỉ số quan trọng. Dù kết quả đạt được chưa như kỳ vọng nhưng đã chuyển biến tích cực hơn qua từng tháng, từng quý. Do đó nếu tăng trưởng trong quý IV cuối năm 2023 tích cực hơn sẽ góp phần tạo đà cho năm 2024 và các năm tiếp theo.
Trao đổi với Lao Động, ông Đinh Quang Hinh – Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT – kỳ vọng GDP của Việt Nam sẽ tăng 7,0% so với cùng kỳ (dao động trong biên độ 0,2 điểm %) trong quý IV/2023, qua đó nâng tốc độ tăng trưởng cả năm lên 5,0%.
“Động lực chính sẽ đến từ chính sách tài khóa mở rộng; lãi suất cho vay thấp hơn, giúp phục hồi đầu tư tư nhân và tiêu dùng trong nước; lĩnh vực sản xuất phục hồi nhờ đơn hàng xuất khẩu tăng trong bối cảnh hàng tồn kho giảm và áp lực lạm phát giảm bớt ở các thị trường phát triển. Cuối cùng là cơ sở so sánh thấp của cùng kỳ năm 2022 khi GDP của Việt Nam chỉ tăng trưởng 5,9% so với cùng kỳ trong quý IV/2022” – ông Hinh cho biết.
Đồng quan điểm về dự báo con số tăng trưởng GDP quý cuối năm 2023 là 7,0%, bà Nguyễn Phương Lam – Giám đốc Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt – nhận định lĩnh vực sản xuất công nghiệp cuối năm cải thiện so với các quý trước và được hỗ trợ bởi mức nền thấp của cùng kỳ. Trong quý IV/2022, tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo chỉ đạt 3,0%, thấp hơn mức tăng 5,6% ghi nhận tại thời điểm quý III/2023.
Bên cạnh đó, tính chung 10 tháng năm 2023, đầu tư phát triển ước đạt 401,9 nghìn tỉ đồng.
Bà Phương Lam kỳ vọng giải ngân vốn đầu tư công sẽ tiếp tục tăng tốc hơn trong hai tháng cuối năm 2023, từ đó hỗ trợ cho đà tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, tăng trưởng lĩnh vực dịch vụ dự kiến tiếp tục giảm trong quý cuối năm.
Điều kiện sản xuất dễ thở tạo động lực cho doanh nghiệp mở rộng kinh doanh
Riêng về phía động lực từ sản xuất công nghiệp, trong 9 tháng đầu năm tuy ghi nhận sự chuyển biến tích cực nhưng được đánh giá còn chậm, chưa phục hồi hoàn toàn.
Ông Huỳnh Hoàng Phương – Giám đốc khối Khối Nghiên cứu và Phân tích đầu tư, Công ty CP FIDT – nhận định: “Sức khỏe khu vực sản xuất có những dấu hiệu tốt và xấu đan xen nhau trong giai đoạn gần đây. Tuy nhiên xu hướng chung ngành sản xuất là cải thiện dần nhờ vào đà hồi phục của nhu cầu xuất khẩu các mặt hàng xuất khẩu trọng điểm.
Nhìn xa hơn 6 – 9 tháng, tôi cho rằng, lãi suất trung dài hạn cho sản xuất chung xuống thấp, các biện pháp giảm chi phí sản xuất nhưng giảm thuế phí và tiền thuê đất, các biện pháp kích cầu tiêu dùng của Chính phủ như giảm 2% VAT trong 2024 sẽ là điều kiện tốt cho khu vực sản xuất mở rộng kinh doanh, tiếp tục hồi phục…”.