Bên cạnh sự chủ động của người dân cùng với sự vào cuộc của các cấp, ngành, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường đã và đang được triển khai trên địa bàn tỉnh. Bước đầu, các mô hình này đã cho thấy hiệu quả, nâng cao giá trị, thương hiệu cho nông sản tỉnh nhà, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Đặt mục tiêu sản xuất an toàn lên hàng đầu, thời gian vừa qua, nhiều hộ dân trồng rau trên địa bàn phường Cộng Hòa (TX Quảng Yên) đã tham gia vào mô hình trồng rau theo hướng hữu cơ, áp dụng các chế phẩm sinh học vào quy trình sản xuất, không dùng thuốc trừ sâu, diệt cỏ, phân bón vô cơ. Nhờ đó, chất lượng nông sản được nâng cao, yên tâm về đầu ra, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Bà Đỗ Thị Khẩn, hộ trồng rau phường Cộng Hòa, cho biết: Chúng tôi sử dụng chế phẩm sinh học để chăm bón cho rau màu. Rau sinh trưởng, phát triển tốt, không có sâu bệnh, an toàn cho người tiêu dùng nên giá thành cũng được cao hơn.
Không chỉ riêng vùng trồng rau Quảng Yên, những phương thức canh tác mới, hiện đại, an toàn cũng đang được nhiều người dân và chính quyền địa phương khác trên toàn tỉnh lựa chọn nhằm thay thế dần cho cách trồng trọt, chăn nuôi trước kia. Trong đó, chất lượng nông sản được đặt lên hàng đầu để tạo giá trị bền vững lâu dài. Điển hình như tại huyện Hải Hà, địa phương đã tập trung nâng cao giá trị cho cây chè bằng cách xây dựng các vùng chè VietGAP. Anh Nguyễn Thế Khánh, Chủ tịch HND xã Quảng Long, cho biết: HND xã đã phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện hỗ trợ, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho bà con trồng mới và trồng thay thế giống chè già cỗi, năng suất, chất lượng thấp bằng những giống chống chịu sâu, bệnh, năng suất, chất lượng cao. Đồng thời tuyên truyền, vận động và hỗ trợ hộ trồng chè áp dụng quy trình sản xuất VietGAP để nâng cao sản lượng và năng suất, chất lượng cây trồng. Vì thế cây chè của Hải Hà ngày càng gia tăng cả về sản lượng và giá thành, tạo ra giá trị bền vững cho vùng chè và kinh tế ổn định cho người trồng.
Tham gia mô hình trồng chè VietGAP được 2 năm, gia đình ông Trần Văn Điều, xã Quảng Long (huyện Hải Hà) luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng, chăm sóc mà đội ngũ cán bộ huyện đã tập huấn. Nhờ đó, diện tích trồng chè của gia đình ông luôn đạt chất lượng cao, an toàn và được hộ thu mua ưu tiên. Hướng đi này cũng mang về cho gia đình ông nguồn thu nhập 50-70 triệu đồng/năm. Ông Điều cho biết: Trồng chè theo hướng VietGAP cho ra những sản phẩm chè an toàn, đơn vị thu mua trả giá cao hơn, được người tiêu dùng đánh giá cao và tin tưởng lựa chọn. Nhờ đó mà cây chè Hải Hà ngày càng có giá trị.
Cũng là một địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, huyện Đầm Hà đã đẩy mạnh việc vận động, khuyến khích, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn gắn với bảo vệ môi trường.
Gắn bó với mô hình trồng ổi đã gần 10 năm nay, gia đình bà Phí Thị Oanh, thôn Tân Hợp (xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà) vẫn kiên trì phương châm chăm sóc hạn chế tối đa các chất hóa học để không làm ảnh hưởng đến thổ nhưỡng và cho ra những sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng. Những năm gần đây, khi quy trình VietGAP được phổ biến rộng rãi, gia đình bà Oanh cũng nhanh chóng tiếp cận phương thức chăm sóc này và áp dụng cho hơn 3ha trồng ổi của gia đình mình. Lợi nhuận mang lại ngoài giá trị kinh tế hơn 100 triệu đồng mỗi năm còn là niềm tin của người tiêu dùng đối với quả ổi của gia đình bà.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 1.000ha sản xuất hàng hóa nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP; 28 cơ sở có chứng nhận VietGAP trong lĩnh vực chăn nuôi; trên 400 cơ sở áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (GMP, SSOP, HACCP…); 14 vùng trồng cây ăn quả, 5 cơ sở đóng gói quả tươi và 9 công ty xuất khẩu thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc; duy trì 16 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận với 59 loại sản phẩm.
Thời gian tới, Quảng Ninh tiếp tục hướng đến nền nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái; sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường. Từ tập trung phát triển sản lượng sang chú trọng chất lượng, vừa góp phần đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia, vừa khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên của địa phương.