Ca sĩ Hồng Nhung viết về nỗi đau trước sức tàn phá của bão Yagi, tin mọi người chung tay dựng lại “khung trời xanh” sau khi hàng loạt cây xanh đổ gục.
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, Hồng Nhung cho biết xót xa trước sức tàn phá của bão Yagi. Ca sĩ viết bài cảm nhận về tình yêu dành cho Hà Nội. VnExpress giới thiệu bài viết của ca sĩ Hồng Nhung.
Em tôi gửi tin nhắn với tấm hình cây si cổ thụ trước Nhà thờ lớn đã đổ: “Chị ơi, nay Hà Nội như ngày tận thế!”. Cơn bão đi qua, để lại nỗi buồn đi vào lịch sử. Phố phường thân quen giờ ngổn ngang, đổ nát, thật thương.
Trên toàn quốc, nhiều người dân thiệt mạng, chiến sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ. Giờ đây là cả một núi công, của, và nhất là sự đoàn kết chung tay của người dân cả nước trong việc dọn dẹp, xây dựng lại từ những mất mát, tơi bời.
Tôi trằn trọc đêm qua, không chợp mắt được, ngủ thức, tỉnh mơ, xốn xang biết bao kỷ niệm tràn về. Tuổi thơ tôi, lũ bạn lớn lên từng ngày có thiếu thốn, nghèo mà không khổ vì được ôm ấp và nuôi nấng tâm hồn dưới những tán cây sum suê của hai hàng sấu cổ thụ trên đường Điện Biên Phủ. Ngày hè, cây thả xuống hàng nghìn hoa nắng lung linh cho trẻ tha hồ chạy đuổi, lúc mưa tán lá lại xòe ra thành chiếc ô lớn. Chúng tôi như mấy chú chim nhỏ trú mưa trong phim hoạt hình. Lúc tạnh mưa, cây lại hóm hỉnh trêu đùa bằng những giọt nước hay cả dòng nước bất chợt rót xuống từ trên cao, ngay vào đầu mỗi đứa, làm rộn lên tiếng cười giòn giã.
Khi tôi sinh ra, trước cửa nhà có cây nhãn gốc lớn, năm nào cũng có vụ thu hoạch quả rộn ràng cả xóm. Tôi không biết cây nhãn nhiều tuổi đó có còn đứng vững hôm nay. Bài hát đầu tiên tôi viết – Giấc mơ tôi (My dream) – mở đầu là: “Tuổi thơ tôi, một mái nhà ngói gốc nhãn già…”. Với tôi, lúc cây là bạn, lúc là người lớn, che chở, rì rào những lời khuyên. Năm 19 tuổi, tôi cùng gia đình rời khỏi số nhà 11 Điện Biên Phủ, nói lời tạm biệt với cây nhãn. Giờ tôi không biết có nên về thăm lại, hay thôi, để giữ nguyên hình ảnh người bạn già đôn hậu, lúc nào cũng bên cạnh, để tôi chẳng bao giờ cô đơn. Dù có thế nào, cây nhãn sẽ ở mãi trong tâm hồn, đọng lại mãi trong những nốt nhạc bài hát lần đầu tôi viết.
Bên nhà bà trẻ – hồi tôi qua ở nhờ một năm học cấp ba vì bố đi công tác xa, bố và bà trồng cây bàng nhỏ. Cây lớn lên từng ngày, cao nhanh lắm. Tôi cứ ước giá mình cao nhanh bằng nửa cây thôi. Tôi tưới cây, đếm lá hàng ngày, cảm thấy có thêm người bạn. Sau này, Lưu Hà An viết cho tôi bài hát Cây bàng của cha, tôi mở cho bố nghe, ông khóc, những giọt nước mắt hạnh phúc.
Ngay góc nhà tôi là đường Tôn Thất Thiệp, phố nhỏ thôi mà toàn là những cây hoa sữa to cao. Ngày bé, tôi ngửa cổ nhìn, nghĩ ngọn cây có thể chạm trời. Hương hoa vào mùa thơm đến nỗi thành hắc luôn. Vì vậy, tôi thích thưởng thức mùi hoa từ xa xa trên phố nhà hơn là đứng ngay dưới gốc. Giờ liệu có cây nào bị ngã không?
Con đường mỗi ngày tôi đạp xe đi học tên Phan Đình Phùng, có hàng cây đan nhau thành vòm trời như một thánh đường xanh, mát dịu. Bao nhiêu tiếng cười nói, tâm sự bạn gái với nhau trong khi đạp xe chậm rãi giữa hai hàng cây cổ thụ thân quen, còn ở lại mãi trong tâm hồn thơ trẻ của tôi. Dù sau này tôi 70 tuổi hay hơn nữa.
Cơn bão đi qua, như một “cuộc chiến tranh” qua đêm, để lại xơ xác những cây cành, ngổn ngang những rễ già bật gốc, nỗi buồn, tiếc thương cho sự mất mát cội sống mang linh hồn, tình cảm lãng mạn của biết bao con người yêu quê hương. Hôm nay chúng ta dọn dẹp, để ngày mai cùng nhau ươm mầm sống mới, biết rằng thế hệ con cháu sau này sẽ có lại được những hàng cây, chiếc ô cổ tích, khung trời xanh để mà mơ mộng.
Tôi buồn lắm vì sự mất mát chung, nhưng còn niềm tin vào sự sống, chỉ cần ta cùng nhau khởi nguồn sự sống ấy.