Trong suốt hơn 20 năm gắn bó với vùng đất Yên Tử, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm cùng những slogan như “Hành trình trở về chính mình”, “Nơi nuôi dưỡng tâm hồn Việt”… đã truyền tải tới du khách những thông điệp ý nghĩa trong hành trình tìm về bản ngã với những giá trị chân, thiện, mỹ. Quá trình ấy, Tùng Lâm đã xây dựng chiến lược phát triển lâu dài gắn với việc gìn giữ, khai thác các giá trị của Yên Tử với mục tiêu trở thành điểm đến du lịch văn hoá tâm linh quốc tế.
Điểm đến đa trải nghiệm
Yên Tử là một điểm đến thu hút cả triệu lượt khách trong nước và quốc tế hàng năm. Du khách về với Yên Tử hôm nay có nhiều lựa chọn, cả về phương tiện di chuyển lên núi cho tới các dịch vụ tham quan, trải nghiệm, vui chơi, giải trí. Về di chuyển, cùng với hệ thống tuyến hành hương bộ đã được kè lát đá chắc chắn, tương đối rộng rãi thì cáp treo do Tùng Lâm đầu tư có thể giúp du khách di chuyển nhanh hơn, tiết kiệm thể lực hơn, tránh ùn tắc vào những dịp cao điểm lễ hội… Đây còn là dịch vụ giúp du khách nghỉ ngơi, thư giãn trong quá trình hành hương cũng như được chiêm ngưỡng di sản, rừng thiêng Yên Tử từ trên cao.
Sau quá trình hành hương leo núi tham quan, lễ Phật viên mãn, dưới chân núi, du khách có vô số lựa chọn với hai hệ thống dịch vụ chính do đơn vị đầu tư. Đó là khu Làng Nương với những điểm nghỉ nhỏ và không gian chợ quê mang sắc thái vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nơi đây có từ sân đình, giếng nước, cây đa, các trò chơi dân gian, hát chèo, quan họ, ẩm thực làng quê, trải nghiệm hội làng với các nét văn hoá bản địa của người Dao, lễ hội hoa đăng cho tới những trải nghiệm khâu nón, gấp hoa, làm chuồn chuồn tre, dập tranh Đông Hồ, bơi thuyền, cưỡi ngựa, đạp xe… Và khu Legacy Yên Tử – Mgallery với các dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khoẻ cao cấp trong không gian thâm trầm, sang trọng rất riêng nơi đây.
Hài hoà với thiên nhiên
Quá trình đầu tư tại Yên Tử trong suốt hơn 20 năm ấy, dù có không ít thăng trầm nhưng với những hạng mục, công trình quy mô lớn, từ làm các tuyến cáp treo lên núi cho tới xây dựng quần thể Trung tâm Văn hoá Trúc Lâm, đơn vị đều xác định hướng tới phát triển hài hoà với thiên nhiên, giữ gìn các giá trị và tài nguyên tự nhiên của Yên Tử.
Đây cũng chính là tinh thần của phái Thiền Trúc Lâm do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập tại đây. Ông Lê Trọng Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, nhớ lại: Quá trình làm cáp treo, chúng tôi cố gắng giữ tối đa rừng, quán triệt anh em công nhân không chặt cây có đường kính gốc từ 10cm trở lên. Có những hố xi măng, chúng tôi khoét lỗ để chừa không gian cho cây sinh trưởng, phát triển… Chúng tôi xem đó là “tài sản” quý nên mặc dù có thể đưa cơ giới hoá vào thi công thần tốc nhưng đơn vị vẫn chọn cách làm thủ công, “chậm mà chắc” để giữ lại rừng, sẵn sàng xử lý nghiêm khắc những ai vi phạm quy định này.
Vì vậy, các tuyến cáp treo chạy giữa rừng Yên Tử nhưng khách đi cáp treo nhìn xuống chỉ thấy lô nhô chùa tháp và những khoảng rừng xanh mướt. Ngay cả khi xây dựng Trung tâm Văn hoá Trúc Lâm, đơn vị cũng sử dụng địa thế là không gian thung lũng tự nhiên rộng lớn của Yên Tử, còn xung quanh vẫn là rừng, núi tự nhiên, hầu như không có dấu vết san đồi, chặt cây. Quá trình hoàn thiện, đơn vị đã trồng hàng nghìn cây to, cây cảnh, cây có hoa thuộc hàng chục loại khác nhau, ẩn chứa ý nghĩa với Yên Tử và gần gũi đời sống người Việt. Từ các loại cây, doanh nghiệp muốn nói lên tinh thần thiền của Yên Tử, đơn giản, thuận theo tự nhiên. Quần thể cây xanh bốn mùa này được đơn vị đầu tư công sức, chi phí chăm sóc hàng năm lên tới hàng chục tỷ đồng cho tới nay, tạo thêm điểm nhấn giàu sức hấp dẫn cho du khách khi về với danh sơn.
Hành trình tìm kiếm “hồn Việt”
Không chỉ là những ứng xử với thiên nhiên, Trung tâm Văn hoá Trúc Lâm dưới chân Yên Tử cũng được xây dựng với thiết kế độc đáo, và ẩn sâu trong đó là ý nghĩa văn hoá gắn với di sản đặc biệt này.
Ông Bùi Đình Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, chủ đầu tư và vận hành quần thể này từ năm 2018, từng chia sẻ: Xây dựng gì ở khu vực dưới chân núi khi ấy có nhiều ý tưởng lắm, kể cả là xây thêm chùa, nhưng chúng tôi không chọn cách làm đó. Trải nghiệm tâm linh ở đây gắn liền với hệ thống chùa, tháp vốn thuộc hàng “Danh lam cổ tự” của Yên Tử, đã rất đủ cho một trục tâm linh ở vùng lõi di tích rồi. “Mảnh ghép” còn thiếu chính là một không gian văn hoá ở vùng đệm dưới chân núi, để tạo sự kết nối giữa Đạo và Đời. Bao nhiêu năm nay, không ít người quen đi chùa Yên Tử chỉ chú trọng làm lễ rồi quay về ngay mà chưa hiểu hết các giá trị cốt lõi sâu xa của di sản Yên Tử. Vì vậy, chúng tôi muốn làm một nhịp cầu kết nối thông qua một không gian văn hoá với các hoạt động thực hành, trải nghiệm, tu học… giúp du khách tiếp cận từng bước và hiểu hơn về đạo của người xưa.
Từ khát vọng đó, Tùng Lâm đã dành hơn 10 năm để tìm kiếm những thiết kế thể hiện được “hồn Việt – nét Trần và tinh thần thiền Trúc Lâm”. Và điều đó đã được hiện thực hoá với kiến trúc sư Bill Bensley người Mỹ. Quần thể Trung tâm Văn hoá Trúc Lâm nhìn về tổng thể rất hoành tráng, nhưng được phân nhỏ ra với các lớp mái xếp chồng lên nhau tạo cảm giác vừa phải, gần gũi ở từng không gian.
Các công trình nhìn đâu cũng thấy phảng phất hình ảnh tháp Tổ Huệ Quang – công trình nguyên gốc duy nhất còn lại từ thế kỷ 13 trên núi Yên Tử, từ bức tường dày, cửa vòm đến mái ngói mũi sen có độ võng thời gian. Những đường nét đơn giản, mộc mạc lại rất khoẻ khoắn, cũng thể hiện được tinh thần Thiền của giáo phái Trúc Lâm. Công trình có rất nhiều hạng mục văn hoá không sinh lợi, như gương Kính tâm, vườn tùng, trung tâm lễ hội, hồ nước; sử dụng những vật liệu tự nhiên thuần Việt, được Tùng Lâm nghiên cứu và đặt làm riêng từ các làng nghề thủ công của Việt Nam, như đồng, gỗ, đá, gạch, gốm… có giá trị bền vững, lâu dài.
Quá trình triển khai, để “Việt hoá” các thiết kế của Bill Bensley, Tùng Lâm đã tích cực hỗ trợ, đồng sáng tạo để tạo nên những công trình văn hoá với ý nghĩa sâu về thiền, về Phật giáo nơi đây, đồng thời đảm bảo yếu tố vận hành phù hợp với một điểm đến như Yên Tử.
Gắn văn hoá vào sản phẩm du lịch
Các loại hình du lịch văn hoá vốn sinh lợi chậm, với sự đầu tư công phu như vậy về cơ sở hạ tầng, có thể thấy, chiến lược đầu tư tại Yên Tử của doanh nghiệp xác định là dài lâu.
Qua tìm hiểu cho thấy, các sản phẩm du lịch của Tùng Lâm đều ẩn chứa hàm lượng văn hoá nhất định, được đơn vị nghiên cứu, chuyển tải đến du khách theo những cấp độ khác nhau, thông qua các dịch vụ từ sản phẩm nghỉ dưỡng, các tour tuyến do doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị lữ hành đưa tới và trải nghiệm ở Làng Nương phục vụ khách hành hương tự do.
Đơn vị luôn duy trì việc đào tạo và khuyến khích tự đào tạo trong đội ngũ nhân lực với nội dung đào tạo là những giá trị văn hoá cốt lõi của Yên Tử, giá trị của thiền phái Trúc Lâm. Đặc biệt là trong giai đoạn Covid-19 ảnh hưởng, đơn vị đã tích cực tiến hành đào tạo về điểm đến, từ đội ngũ bảo vệ, lái xe điện, nấu ăn, phục vụ nhà hàng cho tới đội ngũ hướng dẫn viên chuyên sâu, trong đó có nhiều người dân địa phương, để chuyển tải văn hoá đến du khách.
Với hệ thống các sản phẩm dịch vụ ở Làng Nương, Tùng Lâm đưa vào các trải nghiệm văn hoá đa dạng của vùng đồng bằng Bắc Bộ tới du khách. Khách nước ngoài đến đây cũng nhận được một phần giá trị văn hoá Việt, không chỉ là quá khứ mà còn cả đương đại. Các sản phẩm trải nghiệm văn hoá, du lịch MICE, tham quan, nghỉ dưỡng tới ẩm thực ở Legacy cũng được đầu tư công phu với chất lượng dịch vụ cao cấp.
Hướng tới một điểm đến 4 mùa, đơn vị có nhiều gói sản phẩm theo mùa, phục vụ cho đa dạng dòng khách, đối tượng khách, từ khách là học sinh, sinh viên tới các doanh nhân, người cao tuổi, từ khách lẻ theo hội nhóm, gia đình tới khách các đơn vị, doanh nghiệp… Có thể kể tới một số sản phẩm, chương trình như: “Hành hương theo dấu chân Phật hoàng”, “Tri ân và ước nguyện”, “Mùa thu nơi tiên cảnh”, “Thu sang an nhiên”, “Doanh nhân hạnh phúc”, “Gia đình hạnh phúc”… Các dịch vụ nghỉ dưỡng, hội họp, ăn uống, vui chơi đều kết nối với những trải nghiệm về thiên thiên, văn hoá, lịch sử của Yên Tử vào các mùa trong năm, những giá trị đặc sắc của Yên Tử, nhằm mang tới cho du khách cảm nhận phong phú, khác biệt.
Cân bằng thân – tâm – trí là một định hướng lớn mà Tùng Lâm theo đuổi, cũng nằm trong tinh thần Phật giáo nhập thế, đưa các giá trị của Phật giáo vào đời sống, hiện đang được đơn vị làm theo từng phần. Theo đó, các dịch vụ gắn với chăm sóc sức khoẻ tại Yên Tử được đơn vị phát triển từ năm 2018 đến nay. Phổ biến và bình dân là dịch vụ ngâm chân thảo dược tại khu Làng Nương Yên Tử. Cùng với đó là các lớp yoga và thiền là sản phẩm mang tính trị liệu tâm hồn, với nhiều dòng sản phẩm được Công ty xây dựng thời gian qua, từ thiền trầm, thiền trăng, thiền ngâm chú tiếng Phạn, thiền hành… với đối tượng chủ yếu là dòng khách trung niên và cao tuổi.
Gần đây nhất là việc đơn vị đưa vào sản phẩm chăm sóc sức khoẻ bằng dược liệu – Am Tuệ Tĩnh từ cuối năm 2020. Đây là sản phẩm mang ý nghĩa chăm sóc cả thân – tâm, theo tinh thần của đại danh y thiền sư Tuệ Tĩnh, coi trọng việc phòng bệnh hơn chữa bệnh, nếp sống lành, bảo vệ môi trường và cách thức sử dụng “Nam dược trị Nam nhân”, được du khách đánh giá tương đối tốt.
Về ẩm thực, các bếp ăn, nhà hàng của Tùng Lâm chú trọng việc sử dụng thực phẩm sạch. Cùng với các nguồn cung, đơn vị còn tự làm một trang trại theo tiêu chuẩn hữu cơ để cung cấp rau xanh, gà, thịt lợn sạch tới các bếp ăn, đồng thời bảo vệ môi trường đất, nước tự nhiên của Yên tử. Giảm thiểu việc sử dụng túi ni lông mà chuyển sang túi giấy, giảm rác thải có hại cho môi trường.
Ông Lê Trọng Thanh chia sẻ: Cùng với thân thể khỏe mạnh thì cần làm cho tâm an, tâm an thì trí sáng. Vì vậy, những sản phẩm trị liệu cho tâm hồn là hướng phát triển của Tùng Lâm, để mỗi du khách khi về với Yên Tử sẽ chạm được tới cảm xúc về thiên nhiên, về con người, về vật kiến trúc cũng như các sản phẩm văn hóa nghệ thuật của Tùng Lâm. Đó là những giá trị mà chúng tôi đã và đang theo đuổi…