Tiếp tục đã có những tín hiệu tích cực của nền kinh tế sau 8 tháng đầu năm 2023.
Số liệu mới công bố từ Tổng cục Thống kê cho biết, trong tháng Tám, cả nước có hơn 14.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 135.300 tỷ đồng và số lao động đăng ký 79.900 lao động. Bên cạnh đó là 6.300 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.
Tính chung 8 tháng năm 2023, cả nước có 103.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 969.600 tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký 668.800 lao động. Cũng trong 8 tháng đầu năm, cả nước có 45.700 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Như vậy, tổng cộng có 149.400 doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 8 tháng năm 2023. Bình quân một tháng có 18.700 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Trong chiều ngược lại, cả nước có 124.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường sau 8 tháng. Bình quân, mỗi tháng có 15.600 doanh nghiệp đóng cửa.
Ngoài ra, sản xuất công nghiệp – một trong những trụ đỡ của nền kinh tế tiếp tục cho thấy xu hướng tích cực. Chỉ số Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8/2023 ước tính tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 3,5%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,7%…
Bên cạnh đó, tổng cầu của nền kinh tế cũng tiếp tục có xu hướng tăng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Tám ước đạt 515.400 tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4,043 triệu ỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 8 đạt 60,92 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước. Tính chung 8, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 435,23 tỷ USD. Tại đây, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 207,52 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 227,71 tỷ USD.
Cán cân thương mại hàng hóa sau 8 tháng ước tính xuất siêu 20,19 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 5,26 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 14,02 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 34,21 tỷ USD.
Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 62,3 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 68,1 tỷ USD.
Về thu, chi ngân sách nhà nước, sau 8 tháng, tổng thu ngân sách ước đạt 1,124 triệu tỷ đồng. Tổng chi ngân sách ước đạt 1,081 triệu tỷ đồng. Như vậy sau 8 tháng, ngân sách Nhà nước bội thu khoảng 43.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 8 tháng ước đạt 13,1 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 8 tháng trong 5 năm qua. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 10,75 tỷ USD, chiếm 82,1% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện.