Sau 2 ngày diễn ra với 7 phiên thảo luận chính, 2 phiên dẫn đề và 1 phiên đặc biệt cùng nhiều hoạt động ý nghĩa, chiều nay, 24/10, Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 16 “Định hướng tư duy, Phát huy chuẩn mực” đã khép lại thành công tốt đẹp.
Thông qua các phát biểu của phiên dẫn đề, các phát biểu tọa đàm và trao đổi làm rõ vấn đề trong các phiên thảo luận chính, lãnh đạo và quan chức cấp cao từ các quốc gia trong khu vực, đại diện các tổ chức quốc tế và các chuyên gia đều thống nhất khẳng định rằng, Biển Đông có ý nghĩa hết sức quan trọng về nhiều mặt và ủng hộ việc duy trì khu vực hoà bình, ổn định, thịnh vượng, đảm bảo an toàn, an ninh, hàng hải. Các vị đại biểu tham dự hội thảo cũng đề cao giá trị của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, khuyến khích tăng cường hợp tác và nhấn mạnh vai trò trung tâm và quan trọng của ASEAN trong việc đảm bảo cho Biển Đông là vùng biển hoà bình, ổn định và thịnh vượng.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, nhấn mạnh, Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 16 diễn ra trong bối cảnh kỷ niệm 30 năm Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS) có ý nghĩa rất lớn trong việc khẳng định tầm quan trọng của Công ước. Thảo luận tại hội thảo, đa số học giả đều ủng hộ các biện pháp ngoại giao, hợp tác để duy trì hòa bình ổn định khu vực và giải quyết các thách thức khu vực và toàn cầu, giúp đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao cũng khẳng định, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động với sự chuyển dịch địa chính trị, cạnh tranh mở rộng sang tầm nhìn và quan điểm cùng phát triển khoa học công nghệ, vẫn còn nhiều công cụ giúp quản lý căng thẳng, đó là: Ngoại giao, luật quốc tế, cam kết chung và hợp tác hoà bình. Vai trò của ASEAN trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, ASEAN cần tiếp tục thể hiện vai trò trung tâm thúc đẩy tuân thủ và củng cố các chuẩn mực chung giúp đảm bảo hòa bình ổn định tại khu vực.