Bão số 3 đi qua, người trồng rừng trên địa bàn huyện không khỏi xót xa bởi sự tàn phá của thiên nhiên với cơ nghiệp bao năm gây dựng. Xây dựng cơ chế, chính sách để khôi phục sản xuất lâm nghiệp là một trong những vấn đề cấp thiết huyện đang quan tâm thực hiện.
Là đơn vị có diện tích rừng trồng và quản lý lớn nhất trên địa bàn huyện, sau bão, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Chẽ bị thiệt hại nặng nề với gần 2.300ha rừng gãy, đổ, trị giá gần 100 tỷ đồng. “Đơn vị đang bố trí nhân lực đến tận từng vạt rừng để kiểm đếm, thống kê thiệt hại, lên phương án xử lý thực bì; phân loại rừng theo mức độ thiệt hại và theo tuổi rừng để có kế hoạch chăm sóc hoặc trồng lại. Mong tỉnh có cơ chế để giảm thuế, giãn nợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phục hồi sau ảnh hưởng nặng nề của bão”, bà Bùi Thị Hương, Giám đốc Công ty, chia sẻ.
Theo bà Hương, đối với các đơn vị ngành Than, Công ty đang đề xuất phương án trả nợ gỗ mỏ đến năm 2030 (tương đương 1 chu kỳ trồng và phát triển để gỗ keo đủ tiêu chuẩn chống và chèn lò).
Theo báo cáo của huyện, toàn huyện bị thiệt hại khoảng 18.613ha cây lâm nghiệp, chủ yếu là keo từ 2-6 năm tuổi (13.000ha của các hộ dân, 5.300ha của các doanh nghiệp); gãy, đổ khoảng 100ha thông, 50ha cây gỗ lớn (lim xanh 3 năm tuổi); tổng thiệt hại khoảng 740 tỷ đồng.
Trên tinh thần chủ động vượt khó, phần lớn các hộ trồng rừng, các công ty lâm nghiệp đã nhanh chóng bắt tay vào phục hồi rừng. Đối với diện tích rừng dưới 4 năm tuổi đổ gãy gần như không thể tận thu, các chủ rừng tập trung thu dọn, xử lý thực bì để sẵn sàng cho vụ trồng rừng mới. Đối với diện tích rừng trên 4 năm tuổi, đã hình thành tỷ lệ gỗ rừng, tiến hành khai thác theo hướng vừa tận thu vừa dọn dẹp. Các đơn vị khoanh vùng những khu vực thuận lợi, dễ trồng rừng để ưu tiên khắc phục trước, những cánh rừng có tỷ lệ đổ gãy ít hoặc cây bị đổ nhưng không bật gốc thì để khai thác tận thu sau.
Đồng hành và hỗ trợ nhân dân phục hồi sản xuất lâm nghiệp, huyện đang tích cực chỉ đạo công tác đánh giá thực trạng đối với các diện tích rừng sản xuất bị thiệt hại của các tổ chức, cá nhân; chỉ đạo các cơ sở ươm giống, các cơ sở cung cấp cây giống chủ động chuẩn bị về số lượng giống cây lâm nghiệp phục vụ nhân dân khôi phục sản xuất, không nâng giá, chèn ép giá, gây khó cho nhân dân; chỉ đạo hệ thống ngân hàng trên địa bàn, đặc biệt là Ngân hàng CSXH huyện tiến hành rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn, đề xuất các chính sách hỗ trợ lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ; tiếp tục cho vay đối với các khách hàng bị thiệt hại do bão, mưa, lũ theo quy định, để họ có điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Cùng với thực hiện kiểm đếm thiệt hại, Phòng NN&PTNT huyện nhanh chóng xử lý các TTHC, chuyển về các xã để trợ giúp người dân tiếp cận và nhận hỗ trợ của Chính phủ theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP “Về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh”. Ông Vi Thành Vinh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, cho biết: Bà con đang tính đến các biện pháp thay đổi thời vụ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, như trồng xen canh các loại cây ngắn ngày dưới tán rừng thấp, để có thêm thu nhập trong thời gian chờ đợi rừng keo cho thu hoạch.
Mặc dù còn nhiều nỗi lo, nhưng với sự nỗ lực của các hộ dân, doanh nghiệp trồng rừng, sự đồng hành của các ngành, các cấp trong triển khai các chính sách hỗ trợ, những cánh rừng trên địa bàn huyện sẽ sớm phục hồi, xanh trở lại, góp phần giúp người trồng rừng phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.