Sáng 14/3, Ban Nội chính Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc giới thiệu về 2 chủ đề: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực công tác nội chính; Căn cước công dân, định danh điện tử, dữ liệu dân cư. Đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương, chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Ninh có đồng chí Điệp Văn Chiến, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy.
Tại hội nghị, các diễn giả đến từ Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Viện Công nghệ Blockchaine và AI đã trình bày khái quát về khái niệm, lịch sử phân loại AI. Trong đó nhấn mạnh vào những đặc tính nổi trội của trí tuệ nhân tạo (TTNT) như khả năng phát hiện các điểm dữ liệu bất thường, ứng dụng trong ngành công nghiệp, tài chính, viễn thông, an ninh mạng; khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên, có thể ứng dụng trong trợ lý ảo, dịch máy, phân tích cảm xúc. Đặc biệt Generative AI có khả năng tạo ra nội dung hoàn toàn mới như văn bản, hình ảnh, video, âm thanh… Cùng với đó là những vấn đề liên quan đến đạo đức, pháp lý đang được tranh luận sôi nổi trên toàn thế giới.
Các chuyên gia cũng đưa ra những gợi mở trong việc ứng dụng TTNT trong cải cách thủ tục hành chính phù hợp với bối cảnh Việt Nam, như tự động hóa việc rà soát và đánh giá thủ tục hành chính qua AI nhằm giảm thời gian, tăng tính minh bạch; phân tích dữ liệu lớn để cải thiện môi trường kinh doanh; ứng dụng AI trong kiểm tra, giám sát thủ tục hành chính; cải thiện dịch vụ công trực tuyến thông qua chatbots và trợ lý ảo AI…
Theo chiến lược quốc gia về AI đến năm 2030, Việt Nam hướng đến mục tiêu đứng top 4 ASEAN và top 50 thế giới về nghiên cứu phát triển và ứng dụng TTNT; có 10 thương hiệu uy tín khu vực; hình thành 3 trung tâm quốc gia dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng cao; hình thành mạng lưới trung tâm dữ liệu liên kết; 50 bộ dữ liệu mở cho nghiên cứu và ứng dụng… Ông Đào Trung Thành, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Blockchaine và AI (ABAII), nhấn mạnh: Một trong những rào cản để áp dụng công nghệ nói chung cũng như AI nói riêng tại nước ta hiện nay chính là thiếu đào tạo và sự chấp nhận từ người lao động. Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu rằng, AI không thay thế mà sẽ giúp đỡ mọi người làm việc hiệu quả, năng suất hơn. Vì vậy phải có kế hoạch tổ chức các chương trình tập huấn, hội thảo về AI cho cán bộ công nhân viên, người lao động; phát triển tài liệu, video tuyên truyền để giáo dục công chúng về lợi ích và cách thức tiếp cận với AI. Trong đó đặc biệt quan tâm đến trang bị, nâng cao kỹ năng sống cho mọi người dân trong bối cảnh bùng nổ của TTNT với không ít rủi ro tiềm ẩn.
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, đã báo cáo quá trình và kết quả 2 năm triển khai thực hiện Đề án 06 “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Đồng thời, đề xuất một số ý kiến như: Phối hợp, hỗ trợ nghiên cứu các tính năng, ứng dụng từ dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh điện tử phục vụ việc tạo lập các cơ sở dữ liệu chuyên ngành mà Ban Nội chính đang quản lý; bổ sung tính năng gửi khiếu nại tố cáo qua ứng dụng VNeID nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; xây dựng phần mềm để giải quyết khiếu nại, tố cáo…