Chiều 31/7, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW (gọi tắt là chỉ thị 40) ngày 22/11/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Lê Thị Đức Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH).
Sau 10 năm triển khai Chỉ thị 40 trên địa bàn tỉnh, tín dụng chính sách xã hội đã đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương, thu hẹp chênh lệch vùng miền, nâng cao chất lượng sống mọi mặt của nhân dân, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Đến nay, 20/25 chỉ tiêu Nghị quyết 06 -NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã đạt và vượt.
Đến năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành trước 3 năm các mục tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; 56 xã đã hoàn thành các tiêu chí/chỉ tiêu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 28 xã hoàn thành các tiêu chí/chỉ tiêu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 13/13 địa phương cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 4/7 huyện cơ bản hoàn thành tiêu chí/chỉ tiêu huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Toàn tỉnh không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Trung ương và đã xây dựng mức chuẩn nghèo mới (giai đoạn 2023-2025) cao gấp 1,4 lần so với chuẩn nghèo của Trung ương về tiêu chí thu nhập; hoàn thành xóa nhà ở tạm, nhà ở dột nát; 99,9% số hộ dân vùng nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; thu nhập bình quân đầu người tại các xã, thị trấn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh đạt gần 74 triệu đồng/người/năm.
Trong 10 năm qua, nguồn vốn cho tín dụng chính sách đạt 5.075,5 tỷ đồng, tăng 3,07 lần so với năm 2014, đặc biệt nguồn vốn uỷ thác địa phương chiếm 24% tổng nguồn, tăng gấp 31,9 lần so với thời điểm trước khi Chỉ thị 40 ra đời. Nguồn vốn đã hỗ trợ cho 602.836 lượt cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình, người lao động được vay vốn, trong đó, 51.810 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn phát triển sản xuất; 7.735 lượt hộ nghèo, người có công với cách mạng và người có thu nhập thấp được vay vốn xây mới nhà ở; 144.246 lượt khách hàng vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm…
Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ về vai trò của Chỉ thị 40 trong việc thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; đồng hành cùng người dân trong quá tình học tập, lập nghiệp, khởi nghiệp, an cư; tăng cường sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với tín dụng chính sách…
Đồng chí Lê Thị Đức Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH nhấn mạnh việc triển khai Chỉ thị 40 đã được tỉnh Quảng Ninh dành sự quan tâm sâu sắc, thực hiện bài bản, bố trí nguồn vốn kịp thời, hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn.
Tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị 40, đồng chí đề nghị tỉnh Quảng Ninh xem xét để có ý kiến với Ban Bí thư Trung ương nghiên cứu ban hành nghị quyết về tín dụng chính sách, tiếp tục quan tâm bố trí nguồn lực, chỉ đạo rà soát các đối tượng để ban hành cơ chế, chính sách phù hợp. Đồng chí cũng đề nghị MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích, hiệu quả. Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH các cấp chỉ đạo nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội và xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong quá trình hoạt động. Các tổ chức chính trị xã hội cần nâng cao công tác phối hợp đảm bảo thực hiện tốt việc nhận ủy thác. Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh phát huy những kết quả đạt được, chủ động tháo gỡ khó khăn, tham mưu triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng. Ngân hàng CSXH cam kết sẽ bố trí nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 40, bằng nguồn vốn trung ương và địa phương, tín dụng chính sách được triển khai rộng rãi, đáp ứng lượng lớn nhu cầu vốn của hộ nghèo, tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực. Đồng thời, khẳng định trụ cột quan trọng trong các chính sách giảm nghèo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi tín dụng đen, tạo nguồn lực thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cấp ủy, chính quyền và địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về tín dụng chính sách trên địa bàn và việc sử dụng nguồn vốn hiệu quả. MTTQ các cấp nâng cao vai trò giám sát, phản biện nhằm thực hiện hiệu quả chương trình. UBND tỉnh sẽ kịp thời tham mưu bổ sung vốn ủy thác từ các chương trình mục tiêu quốc gia.
Đối với Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH các cấp, đồng chí đề nghị tiếp tục đổi mới hoạt động đảm bảo triển khai hiệu quả Chỉ thị 40 trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh cần phát huy những kết quả đạt được, triển khai hiệu quả các chỉ đạo của tỉnh, phối hợp tham mưu xây dựng chương trình phù hợp kinh tế xã hội địa phương.
Nhân dịp này, nhiều cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong việc triển khi thực hiện Chỉ thị 40 đã được khen thưởng.