Chiều 4/10, Sở NN&PTNT phối hợp tổ chức Hội nghị thúc đẩy quản lý rừng bền vững, chứng chỉ rừng và quy định sản xuất hàng hóa không gây mất rừng (EUDR). Hội nghị có sự tham gia của đại diện Văn phòng chứng chỉ Quản lý rừng bền vững Việt Nam; đại diện Chi hội viên nén gỗ Việt Nam; đại diện sở, ngành, địa phương liên quan; lãnh đạo các đơn vị chuyên môn thuộc Sở NN&PTNT; doanh nghiệp lâm nghiệp và chủ rừng lớn trên địa bàn.
Hội nghị nhằm đánh giá kết quả thực hiện chứng chỉ quản lý rừng bền vững trên địa bàn tỉnh; đánh giá diện tích rừng có khả năng, nhu cầu thực hiện cấp chứng chỉ rừng trên địa bàn tỉnh; xác định nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy thực hiện trong thời gian tới. Thông qua hội nghị là cơ hội để các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế hợp tác liên kết thực hiện cấp chứng chỉ rừng bền vững; đầu tư, bao tiêu sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, nhằm hỗ trợ và tạo mối liên kết ổn định, hài hòa lợi ích giữa các bên.
Theo báo cáo đề dẫn của ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT, toàn tỉnh đang có trên 434.000ha rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp, chiếm 70% diện tích đất tự nhiên, trong đó có 175.000ha rừng trồng và rừng sản xuất. Tỷ lệ che phủ rừng của Quảng Ninh đạt 55%, mức cao so với toàn quốc, tuy nhiên chất lượng rừng vẫn còn những tồn tại nhất định, cần phải được nâng lên. Việc thực hiện cấp chứng chỉ rừng và sản xuất hàng hoá không gây mất rừng là một trong những yêu cầu, giải pháp quan trọng để phát triển rừng bền vững.
Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có trên 9.500ha rừng đã được cấp chứng chỉ rừng. Đối với diện tích rừng này, gỗ sau khi khai thác được xác nhận nguồn gốc, đủ điền kiện xuất khẩu ra thị trường thế giới, đạt mức giá cao, mang lại lợi nhuận cho chủ rừng cũng như các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu lâm sản. Rừng được cấp chứng chỉ đồng nghĩa rừng bền vững, đảm bảo đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường. Theo rà soát của Sở NN&PTNT, trên 165.000ha rừng trồng của toàn tỉnh hiện nay cần cấp chứng chỉ rừng, trong đó 23.000ha rừng hiện các địa phương đã đăng ký cấp chứng chỉ rừng đến năm 2025. Mặc dù rừng được cấp chứng chỉ mang lại nhiều lợi ích, tuy nhiên vẫn có những khó khăn nhất định, đặt ra yêu cầu cần được bàn thảo, tháo gỡ.
Tại hội nghị, các đại biểu được giới thiệu Khung kế hoạch hành động thích ứng với Quy định không gây mất rừng của Ủy ban Châu Âu (EUDR) có tác động tới xuất khẩu các ngành hàng gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Châu Âu và thị trường toàn cầu; Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia (VFCS); các bước thực hiện chứng chỉ rừng; giới thiệu mô hình liên kết thực hiện chứng chỉ rừng ở Quảng Ninh. Cùng với đó, đại diện UBND các địa phương, hợp tác xã, chủ rừng, các doanh nghiệp chế biến và các bên tham dự liên quan đã chia sẻ, thảo luận về các bước thực hiện chứng chỉ rừng, nêu ra những khó khăn, thách thức và đề xuất giải pháp.
Kết thúc hội nghị, Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố và doanh nghiệp đã đồng thuận ký vào biên bản ghi nhớ thực hiện chứng chỉ rừng trong thời gian tới.