Sáng 14/5, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tổ chức hội nghị tham vấn, lấy ý kiến vào dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2030 trình tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, chủ trì hội nghị.
Việc ban hành Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về văn hóa, di sản văn hóa; sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật về di sản văn hóa; tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; đảm bảo tính kế thừa, tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Di sản văn hóa với các luật khác có liên quan. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, các hoạt động dịch vụ, hợp tác công tư trong lĩnh vực di sản văn hóa… đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.
Bố cục của dự thảo Luật gồm 9 chương, 102 điều; tăng 2 chương, 29 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành. Trên cơ sở nghiên cứu, tìm hiểu nội dung dự thảo Luật, các đại biểu đã thảo luận và có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng, dựa trên thực tế những thuận lợi, khó khăn, thách thức trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh những năm qua. Trong đó, các đại biểu dành nhiều sự quan tâm đến các chính sách nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động của các cơ quan trực tiếp quản lý di sản, tăng cường nội dung, trách nhiệm, cơ chế thực hiện phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước về di sản văn hóa từ Trung ương đến địa phương. Chính sách về thúc đẩy xã hội hóa và thu hút, nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Đáng chú ý có nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề điều chỉnh ranh giới và phân cấp quản lý vùng đệm, vùng lõi di sản để tạo điều kiện cho địa phương phát triển. Vấn đề này xuất phát từ thực tế di sản thế giới Vịnh Hạ Long có hơn 305ha vùng đệm, trải dải từ Hạ Long cho tới Cẩm Phả, Vân Đồn, Quảng Yên. Hiện nay trong Luật Đầu tư có quy định về việc đầu tư dự án thuộc phạm vi khu vực bảo vệ của di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Những quy định chặt chẽ này khiến địa phương gặp vướng mắc trong việc quy hoạch, triển khai các dự án cấp thiết phục vụ cho mục tiêu phát triển KT-XH. Ngoài ra, cần có những nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể hơn đối với công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị, triển khai dự án đầu tư xây dựng trong vùng đệm, vùng lõi đối với những di sản đặc biệt tầm thế giới như Vịnh Hạ Long.
Đối với chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2030, được thiết kế với 10 nội dung thành phần, 153 chỉ tiêu chi tiết, 42 nhiệm vụ cụ thể, 186 hoạt động chi tiết theo đúng chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư về 6 nhiệm vụ, 4 giải pháp phát triển văn hóa tại kết luận Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021. Dự kiến tổng các nguồn lực huy động thực hiện chương trình giai đoạn 2025-2030 là 122.250 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp để thực hiện chương trình giai đoạn 2025-2030 được bố trí tối thiểu 77.000 tỷ đồng, chiếm 63%.
Các đại biểu đều đồng tình với tính cấp thiết của chủ trương này, nhất là trong bối cảnh tỉnh Quảng Ninh đã và đang dành sự quan tâm đặc biệt đến phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh, coi đây là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là nguồn lực để phát triển kinh tế – xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng phục vụ cho sự phát triển. Tuy nhiên, điều quan trọng là sử dụng nguồn vốn ngân sách hiệu quả, đồng thời huy động được đa dạng các nguồn lực xã hội hóa.
Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại hội nghị để báo cáo Quốc hội trong thời gian tới.