Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 18/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp nghe và cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 08- NQ/TU ngày 10/8/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, chức vụ” cùng nhiều nội dung quan trọng khác. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì hội nghị.
Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TU, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh được triển khai đồng bộ, bài bản, thể hiện quyết tâm của tỉnh trong phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế, tiêu cực, nhất là những vụ án, vụ việc liên quan đến cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị của tỉnh trong sạch, vững mạnh.
Trong giai đoạn hiện nay, để kịp thời triển khai thực hiện các quan điểm, định hướng chỉ đạo mới, quan trọng của Trung ương về công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết liệt chỉ đạo khẩn trương xây dựng, ban hành Nghị quyết chuyên đề về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, xử lý các vụ án, vụ việc về tham nhũng chức vụ, kinh tế, tiêu cực”. Nghị quyết này sẽ thay thế Nghị quyết số 08 ngày 10/8/2017, nhằm tập trung sự chỉ đạo sâu sắc, đầy đủ, kỹ lưỡng hơn đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, chức vụ, kinh tế, tiêu cực, đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn đặt ra, góp phần khẳng định hơn nữa quyết tâm cao của tỉnh trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.
Dự thảo Nghị quyết xác định 2 nhóm quan điểm, mục tiêu, 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp lớn, trong đó, đặc biệt nhấn mạnh tới một số giải pháp quan trọng như thực hiện nghiêm túc, quyết liệt 3 cơ chế phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực và sai phạm trong quá trình kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, đáp ứng yêu cầu chính trị, pháp luật, nghiệp vụ. Tăng cường và nâng cao chất lượng công tác tự kiểm tra, giám sát, thanh tra, nhất là ở cấp huyện và các sở, ngành. Coi trọng hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng trong các cơ quan, đơn vị, có chức năng trực tiếp phát hiện, xử lý.
Cơ bản đồng tình với các nội dung dự thảo Nghị quyết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất cho rằng: Việc xây dựng nghị quyết này có ý nghĩa rất quan trọng, khẳng định mạnh mẽ hơn vai trò lãnh đạo của Đảng trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án; đồng thời phát huy trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác phát hiện, điều tra, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội…
Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu, Ban Nội chính Tỉnh ủy – cơ quan chủ trì phối hợp xây dựng dự thảo Nghị quyết tiếp thu các ý kiến tham gia, trong đó phải đảm bảo các nội dung trong Nghị quyết thực hiện nghiêm theo Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 9/11/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc và Hướng dẫn số 04-HD/TW ngày 9/12/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về thực hiện Chỉ thị 26-CT/TW.
Nghị quyết cũng phải đảm bảo các yêu cầu về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ; về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu các cấp, ngành đáp ứng yêu cầu, có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, nêu gương, làm gương; quán triệt nghiêm nguyên tắc của Đảng và các quy định, quy chế; cơ chế tự kiểm tra, tự giám sát từ trong nội bộ, từ cơ sở, tự soi, tự sửa; cơ chế BTV Tỉnh ủy lãnh đạo thông qua các tổ chức Đảng và đảng viên để xây dựng đội ngũ cán bộ của các đơn vị có chức năng trong thực hiện quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực nội chính, tư pháp.
Trong ngày, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng nghe báo cáo kết quả sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TU ngày 05/8/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 51-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia.
Cho ý kiến nội dung này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu: Để đánh giá đúng thực trạng khách quan, phản ánh đúng thực tiễn Quảng Ninh trong triển khai Nghị quyết số 51- NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia gắn với triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, trong báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TU ngày 05/8/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh phải làm rõ được những kết quả toàn diện mà tỉnh Quảng Ninh đã đạt được trong 3 năm qua. Đồng thời cũng phải làm rõ được các nhân tố tạo nên được thành quả đó.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu phải phân tích kỹ việc thực hiện mục tiêu đã nêu trong Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị tại tỉnh Quảng Ninh và phải được chứng minh bằng những kết quả cụ thể. Nhất là nâng cao năng lực lãnh đạo cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; xây dựng hệ thống chính quyền địa phương tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Mở rộng quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường sự đồng thuận xã hội, củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền trong tỉnh. Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đặc biệt là thành công phát triển các ngành kinh tế theo hướng thân thiện môi trường; đảo bảo an ninh kinh tế. Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, con người với bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh. Phát triển toàn diện đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, của con người Quảng Ninh để trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển. Củng cố tăng cường sức mạnh quốc phòng an ninh; thực hiện đường lối đối ngoại tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa.
Cùng với đó, phải làm rõ phương châm phát hiện sớm, xử lý kịp thời những yếu tố bất lợi, nhất là nguy cơ gây đột biến, thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống từ cơ sở.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu thành lập tổ biên tập để hoàn thiện báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TU ngày 05/8/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trong tháng 10/2023.
Cùng ngày, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng nghe và cho ý kiến về việc điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Trung tâm du lịch, dịch vụ và vui chơi giải trí cao cấp (phân khu 6) tại các phường: Bãi Cháy, Hà Khẩu và Hùng Thắng (TP Hạ Long) cùng nhiều nội dung quan trọng khác.