Ngày 14/1, Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) tổ chức hội nghị trực tuyến lần thứ XII với 28 tỉnh, thành phố ven biển. Đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh Quảng Ninh có đồng chí Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng các sở, ngành liên quan.
Sau Hội nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU lần thứ XI diễn ra vào tháng 10/2024, đến thời điểm này các nội dung khuyến nghị của Ủy ban châu Âu đã được các bộ, ngành liên quan và các địa phương ven biển của Việt Nam tích cực khắc phục. Các địa phương đã ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý đội tàu khai thác, dữ liệu được số hóa để theo dõi, quản lý, cập nhật và đã cơ bản hoàn thành xử lý tàu cá “3 không”. Việc ứng dụng công nghệ thông tin để theo dõi, kiểm soát việc giám sát sản lượng thủy sản khai thác bốc dỡ qua cảng; truy xuất nguồn gốc điện tử để đảm bảo tính minh bạch, hợp pháp cho các lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu không vi phạm IUU đã thực hiện tốt. Tính đến ngày 6/1/2025 đã rà soát, thống kê được 84.536 tàu cá cả nước, trong đó số lượng tàu cá đã đăng ký được cập nhật trên VN-Fishbase là 83.648 chiếc (đạt 98,9%), đã cấp giấy phép khai thác thủy sản còn hạn cho đội tàu từ 15 mét trở lên 25.942/28.728 chiếc, đạt 90,3%.
Công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác được thực hiện chặt chẽ hơn trước. Đến nay cả nước chưa phát hiện các trường hợp vi phạm IUU đối với các lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Công tác thực thi pháp luật, xử lý hình sự, xử phạt vi phạm hành chính đã được các địa phương quyết liệt triển khai thực hiện, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc răn đe, giáo dục trong cộng đồng ngư dân. Tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài đã giảm rõ rệt. Các địa phương đã khởi tố 32 vụ hình sự liên quan đến hành vi môi giới, móc nối, xuất cảnh trái phép đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; gửi, vận chuyển thiết bị VMS, hợp thức hóa sơ vi phạm IUU.
Mặc dù các vụ việc vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài đã giảm rõ rệt sau khi triển khai Nghị quyết số 04/2024 nhưng vẫn còn trường hợp vi phạm. Cả nước vẫn còn 888 tàu cá “3 không” tập trung tại các tỉnh miền Trung và miền Nam. Việc gia hạn, cấp giấy phép khai thác thủy sản theo quy định vẫn còn chậm, tỷ lệ cấp giấy phép khai thác thủy sản còn hạn cho khối tàu từ 6 mét trở lên đến nay mới đạt 76,5%. Kết quả xác minh, xử lý các hành vi vi phạm ngắt kết nối VMS, vượt ranh giới cho phép trên biển, vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vẫn còn rất thấp so với các vụ việc được phát hiện.
Tại Quảng Ninh, đến nay đã đưa vào quản lý 100% tàu cá trên địa bàn tỉnh (5.556/5.556 chiếc). Thực hiện kiểm soát sản lượng khai thác tại cảng, kê khai tại các xã, phường đạt 86,7% sản lượng khai thác. Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên biển được các lực lượng tăng cường. Từ đầu năm 2024 toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 481 trường hợp vi phạm, xử phạt số tiền 5.086,8 triệu đồng, trong đó xử lý hình sự 03 trường hợp và 01 trường hợp đang quá trình xử lý do tái phạm sử dụng xung điện để khai thác nguồn lợi thủy sản.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU, chỉ đạo các ban, bộ, ngành, địa phương tập trung cao điểm thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết số 52/NQ-CP của Chính phủ và các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ đảm bảo đúng tiến độ, có kết quả, sản phẩm cụ thể để chứng minh tại đợt thanh tra lần thứ 5 của EC.
Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, hiện nay cách quản lý đội tàu khai thác còn đang mang tính chất hành chính, thiếu chủ động, vì vậy phải ứng dụng khoa học công nghệ để quản lý. Đồng chí giao Bộ NN&PTNT chủ trì xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ cho công tác quản lý đội tàu theo ngư trường, theo không gian biển xong trong quý I năm nay và phải ban hành quy chế sử dụng dữ liệu dùng chung. Các bộ, ngành liên quan cần rà soát lại các quy định của pháp luật để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Xây dựng các công cụ quản lý, quy định cụ thể mùa đánh bắt thủy hải sản nhằm hướng tới bảo vệ và phục hồi nguồn lợi thủy sản của Việt Nam không chỉ ở vùng khơi mà còn cả vùng lộng, vùng ven bờ. Tăng cường thanh, kiểm tra các cơ sở thu mua chế biến xuất khẩu và xử phạm nghiêm những trường hợp hợp thức hóa nguồn gốc thủy hải sản.