Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và Luật Công đoàn (sửa đổi) là hai dự án luật khó, nhất là liên quan đến nhiều đối tượng, tới người lao động với nhiều vấn đề đáng quan tâm, như rút bảo hiểm xã hội một lần, mức lương…
Chiều 9/5, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì cuộc họp xin ý kiến lãnh đạo Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).
Tham dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Khắc Định; Nguyễn Đức Hải; Thượng tướng Trần Quang Phương.
Về phía Chính phủ, có Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang.
Phát biểu mở đầu cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội dự kiến sẽ thông qua 10 luật, cho ý kiến vào 11 dự án luật, trong đó có dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Đây là hai dự án luật khó, nhất là Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), liên quan đến nhiều đối tượng, tới người lao động với nhiều vấn đề đáng quan tâm, như rút bảo hiểm xã hội một lần, mức lương… Do đó, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đúng quy định trước khi trình Quốc hội.
Đồng chí Trần Thanh Mẫn lưu ý, Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là dự án luật khó, cần có sự thống nhất giữa Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua, nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao, đồng thời tính toán đến khả năng thực hiện.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, cách đây 2 ngày, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành bàn về vấn đề cải cách tiền lương theo vị trí việc làm; và việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội cũng có nội dung liên quan đến vấn đề cải cách tiền lương.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao sự chủ động, tinh thần trách nhiệm của Ủy ban Xã hội và sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chủ trì thẩm tra với Ban soạn thảo, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các bộ, ngành có liên quan trong việc thẩm tra 2 dự án luật nêu trên.
Đồng chí đề nghị, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện nghiêm túc Kết luận 3487 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc bổ sung hồ sơ trình Quốc hội và nghiên cứu tiếp thu các nội dung.
Vấn đề nào chưa tiếp thu phải có giải trình thấu đáo, hợp lý; đồng thời, chủ động báo cáo xin ý kiến các cấp có thẩm quyền về các nội dung đã được nêu trong Kết luận số 3487.
Đồng chí Trần Thanh Mẫn yêu cầu, các cơ quan liên quan cần tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, ý kiến thẩm tra, ý kiến tham gia của các cơ quan liên quan trong cuộc họp, hoàn thiện thêm hồ sơ dự thảo luật, bảo đảm chất lượng.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội giao Ủy ban Xã hội chủ trì, phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội để hoàn thiện báo cáo thẩm tra dự án luật trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 sắp tới.