Để đáp ứng nhu cầu vốn cho người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đảm bảo tăng trưởng ổn định, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh không chỉ chủ động điều hành lãi suất linh hoạt, mà còn kịp thời tháo gỡ khó khăn, mở rộng các chương trình tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Quảng Ninh, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã mở rộng tín dụng hợp lý và nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nhất là các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và của tỉnh; triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đồng thời, tăng khả năng hấp thụ vốn và tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng; phát triển, cung ứng các dịch vụ ngân hàng hiện đại, an toàn, tiện lợi, đem lại lợi ích, giá trị thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.
Các ngân hàng đẩy mạnh việc giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, như: Nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp, dịch vụ, doanh nghiệp nhỏ và vừa… nhằm hỗ trợ tăng trưởng tín dụng trong các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Đến nay, các ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay từ 1%-1,5%/năm so với cuối năm 2023. Hiện lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ đối với lĩnh vực ưu tiên là 4%/năm; lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6-7,5%/năm đối với ngắn hạn và 8,5-10%/năm đối với trung, dài hạn. Ngoài giảm lãi suất cho vay, các ngân hàng liên tục đưa ra các gói tín dụng ưu đãi cho từng nhóm khách hàng khác nhau.
Thực hiện chỉ đạo của NHNN, các ngân hàng tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN (ngày 23/4/2023) của NHNN Việt Nam. Toàn tỉnh hiện có 306 lượt khách hàng (258 cá nhân, 46 doanh nghiệp và 2 hợp tác xã) được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với tổng giá trị được cơ cấu lại 1.180 tỷ đồng nợ gốc và lãi.
Đặc biệt, nhiều giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng cơn bão số 3 đã được các ngân hàng tích cực triển khai. Các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 14.510 khách hàng với dư nợ 1.032 tỷ đồng; giảm lãi suất cho vay đối với 5.763 khách hàng với tổng dư nợ được giảm lãi suất là 18.917 tỷ đồng, mức giảm lãi suất từ 0,5-2%/năm; cho vay mới đối với 7.540 khách hàng, với tổng số tiền cho vay là 3.050 tỷ đồng nhằm giúp người dân và doanh nghiệp phục hồi kinh doanh, tái sản xuất.
Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, nhiều gói cho vay với lãi suất ưu đãi đã được các ngân hàng triển khai với quy mô lớn, như: Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư; chương trình tín dụng 60.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản; chương trình tín dụng chính sách xã hội…
Đặc biệt, đối với chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư, hiện toàn tỉnh có 8 ngân hàng tham gia vào gói tín dụng: Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank, TPBank, VPBank, MBBank, Techcombank. Bên cạnh đó, Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh Quảng Ninh tiếp tục duy trì cho vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà để ở theo quy định tại Nghị định 100/2024/NĐ-CP. Đến nay, toàn tỉnh có 3 người dân được vay vốn mua nhà ở xã hội tại Ngân hàng Thương mại với dư nợ là 650 triệu đồng và 125 người dân vay vốn mua mua nhà xã hội tại Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh với tổng dư nợ 34,9 tỷ đồng.
Bằng các giải pháp đồng bộ, tính đến nay, dư nợ tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đạt 196.000 tỷ đồng, tăng 10,6% năm 2023. Dự kiến, dư nợ tín dụng của các ngân hàng đến 31/12/2024, đạt 199.000 tỷ đồng, tăng 12,3% so năm 2023, đạt 100% kế hoạch đề ra. Đây là tiền đề quan trọng để ngành Ngân hàng hoàn thành mục tiêu sẽ tăng trưởng tín dụng khoảng 12-13%/năm phù hợp với mục tiêu tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả, bền vững.