HTX nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bởi liên kết, hợp tác trong sản xuất nông nghiệp là hướng đi tất yếu cho phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững. Do vậy, Quảng Ninh luôn quan tâm dành nguồn lực thúc đẩy phát triển HTX trên địa bàn.
Quảng Ninh có 98 xã trong tổng số 177 xã, phường, thị trấn. Dân số vùng nông thôn vẫn chiếm khá đông. Để nâng cao đời sống nhân dân, xóa khoảng cách vùng miền, tỉnh luôn kiên trì thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, bao trùm, quyết liệt thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có nông nghiệp, nông thôn. Từ năm 2022, UBND tỉnh đã kiện toàn Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX tỉnh Quảng Ninh và Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo.
Đặc biệt, tháng 7/2023, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 155/NQ- HĐND về một số giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững đến năm 2025. Theo đó tỉnh tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tối đa cho các HTX, coi việc tháo gỡ khó khăn, rào cản cho HTX là nhiệm vụ chính trị hàng đầu để HTX chủ động thích ứng với tình hình mới, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.
Để hỗ trợ nguồn lực cho các HTX trên địa bàn, Cục Thuế tỉnh đã triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác theo quy định của pháp luật. Còn các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tăng cường triển khai thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng do Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành, nhằm cung ứng vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, HTX trên địa bàn, đặc biệt cho vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh đối với HTX. Ngân hàng CSXH tỉnh thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách có đối tượng thụ hưởng là HTX như: Chương trình cho vay giải quyết việc làm, chương trình cho vay với người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất kinh doanh….
Quảng Ninh cũng tiếp tục ưu tiên dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn hợp pháp, chính đáng của các HTX; thực hiện đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng để khơi thông nguồn lực phục vụ phát triển HTX.
Từ tháng 6/2022 đến hết tháng 8/2023, tỉnh đã bố trí 40,36 tỷ đồng ủy thác qua Ngân hàng CSXH tỉnh để hỗ trợ tín dụng phát triển HTX. Từ tháng 6/2022 đến hết tháng 6/2023, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh phối hợp với Liên minh HTX tỉnh cho 7 HTX vay với số tiền 6,5 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 8/2023, dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đối với kinh tế tập thể, HTX là 78,8 tỷ đồng.
Quảng Ninh còn chú trọng đầu tư nhân lực gắn với phát triển các HTX trên địa bàn, tập trung đào tạo nghề cho lao động là phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật, người thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, người DTTS, người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm…
Từ đầu năm đến nay tỉnh đã thành lập mới 84 HTX. Qua đó, đến hết tháng 10/2023 toàn tỉnh có 469 HTX nông nghiệp, tổng hợp; trong đó 67 HTX lĩnh vực thủy lợi, vật tư nông nghiệp, 159 HTX lĩnh vực tổng hợp, 91 HTX nuôi trồng thủy sản, 10 HTX khai thác thủy sản, 52 HTX hoạt động chăn nuôi, 75 HTX hoạt động trồng trọt, 15 HTX hoạt động lâm nghiệp.
Để hỗ trợ nông dân và các HTX trong thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, năm 2023 tỉnh đã tổ chức 5 hội chợ OCOP cấp tỉnh. Tổ chức 2 hội nghị kết nối giao thương tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP với tỉnh Cần Thơ. Các địa phương tổ chức 7 hội chợ OCOP kết hợp thương mại, Hội chợ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Kết quả các hội chợ, hội nghị giao thương đều mang lại kết quả tích cực và triển vọng phát triển bền vững cho sản phẩm OCOP Quảng Ninh. Hiện toàn tỉnh có 336 sản phẩm OCOP của 13 địa phương đạt 3-5 sao; 219 chủ thể sản xuất tham gia, gồm 54 doanh nghiệp, 87 HTX, 78 hộ sản xuất; có 7 sản phẩm tham dự đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia hạng 5 sao.
Việc đầu tư phát triển HTX giúp đời sống người dân nâng cao hơn; góp phần giữ vững đà tăng trưởng (GRDP) cao, ổn định trên 2 con số trong 9 năm liên tiếp (2015-2023). Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, năm 2023 ước đạt 312.420 tỷ đồng (tăng 1,5 lần so với năm 2020). Quảng Ninh vươn lên, đã và đang trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của Vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc. Tỉnh tiếp tục xác định thực hiện hiệu quả hỗ trợ vốn thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, HTX… tạo nền tảng quan trọng để góp phần phát triển Quảng Ninh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nhân dân ngày càng có cuộc sống ấm no, bình yên và hạnh phúc.