Sau cơn bão số 3 đi qua, ngành Du lịch Quảng Ninh cũng chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề. Trong đó, nhiều doanh nghiệp, chủ tàu thuộc đội tàu du lịch Hạ Long phải hứng chịu những thiệt hại vô cùng lớn. 27 tàu du lịch bị đánh chìm do bão đã khiến các chủ tàu thật sự lao đao khi vừa mới vực dậy sau đại dịch Covid-19. Vì vậy, tất cả đang mong chờ những cơ chế chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả để có thể sớm khôi phục, gìn giữ và phát triển đội tàu – hình ảnh đã trở thành biểu tượng của du lịch Quảng Ninh.
Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải, trên địa bàn tỉnh có 27 tàu du lịch và 4 tàu chuyển tải bị đắm do bão Yagi. Trong đó, 23 tàu du lịch neo đậu, tránh trú bão tại Cảng tàu du lịch quốc tế Tuần Châu bị chìm ngày 7/9.
Trao đổi với phóng viên, các chủ tàu đều không khỏi xót xa nhìn tài sản hàng tỷ đồng ngâm lâu trong nước khiến tàu đã hỏng càng hỏng nặng hơn. Theo các chủ tàu, ước tính, để sửa chữa một tàu du lịch tham quan vỏ gỗ tốn khoảng 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng; tàu tham quan vỏ thép từ 1-10 tỷ đồng. Một số tàu không còn khả năng khôi phục thì phải đóng mới thay thế hoàn toàn với kinh phí lên tới hàng tỷ đồng.
Anh Vũ Đình Sang, chủ tàu du lịch Mai Lam, chia sẻ: Trong cơn bão vừa qua, các doanh nghiệp nói chung đều ít nhiều bị thiệt hại. Gia đình tôi có 4 tàu chở khách thăm vịnh Hạ Long thì đã bị bão đánh chìm 3 tàu. Thống kê những thiệt hại đến giờ phút này thì không biết bao nhiêu cho vừa bởi phần lớn tiền đóng tàu, mua tàu hiện đều từ nguồn vốn vay của các ngân hàng khiến chúng tôi thật sự điêu đứng. Trước mắt, chúng tôi rất mong tỉnh, sở, ngành có giải pháp hỗ trợ chi phí để chúng tôi trục vớt tàu nhanh chóng đưa về xưởng sửa chữa khắc phục sớm được ngày nào tốt ngày ấy vì càng ngâm lâu tàu càng hư hỏng nặng.
Ông Trần Văn Hồng, Chi hội trưởng Chi hội Tàu du lịch Hạ Long, cho biết: Ngay khi nắm được thông tin các tàu tham quan, lưu trú trên vịnh Hạ Long bị đánh chìm do cơn bão số 3, Chi hội đã nhanh chóng cho rà soát số lượng tàu, thăm hỏi, động viên các chủ tàu để cùng tìm phương án khắc phục, trong đó ưu tiên trước hết là liên hệ với các đơn vị trục vớt tàu để thực hiện trục vớt tàu một cách nhanh nhất. Những ngày qua, các đơn vị trục vớt chủ yếu ở Hải Phòng cũng đang rất bận rộn bởi trong cơn bão số 3, khá nhiều tàu, phương tiện vận tải thủy gặp nạn. Vì vậy, đến ngày 16/9 vừa qua, công tác trục vớt các tàu bị chìm tại Cảng tàu du lịch quốc tế Tuần Châu mới được thực hiện sau một tuần chờ đợi. Tuy nhiên do sức tàn phá của bão quá lớn những tàu đầu tiên được trục vớt lên cũng đã hư hỏng rất nặng. Chi hội đã báo cáo tỉnh và các cơ quan chức năng quản lý tàu du lịch có biện pháp hỗ trợ các công ty, doanh nghiệp, chủ tàu về nguồn tài chính trục vớt tàu. Chúng tôi rất mong muốn các ngân hàng sẽ vào cuộc đồng hành hỗ trợ cho các doanh nghiệp giãn, hoãn nợ để có thể sửa chữa, nâng cấp, đóng mới tàu sớm trở lại hoạt động tạo nguồn thu.
“Một khoản hỗ trợ về vốn vay lúc này thực sự là cần thiết và có ý nghĩa vô cùng to lớn để giúp doanh nghiệp, chủ tàu khởi động lại hoạt động kinh doanh. Quả thật sau gần 3 năm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các chủ tàu đã sức cùng lực kiệt. Khi hoạt động ổn định lại chưa được bao lâu lại chịu ảnh hưởng quá nặng nề từ bão khiến chúng tôi không có đủ nguồn lực tài chính để xoay xở, vực dậy” – anh Vũ Nguyên Tuyên, một chủ tàu hoạt động trên vịnh Hạ Long bày tỏ.
Tại cuộc họp bàn giải pháp khắc phục hậu quả bão số 3, từng bước khôi phục lại hoạt động du lịch ngày 13/9, đồng chí Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo sở, ngành tập trung hỗ trợ, tháo gỡ ngay những khó khăn của doanh nghiệp du lịch. Đồng thời, giao Sở Giao thông vận tải nhanh chóng hỗ trợ công tác trục vớt tàu du lịch bị chìm đắm ngay, nhằm đảm bảo hoạt động vận tải ổn định, an toàn.
Để đồng hành cùng doanh nghiệp, Quảng Ninh sẽ kiến nghị ngay với Chính phủ các chính sách về ngân hàng, bao gồm khoanh nợ, giãn nợ, hoãn nợ, giảm lãi suất cho vay, cho vay mới đối với các doanh nghiệp thiệt hại; đề nghị giảm giá điện, thuế, bảo hiểm…
Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch nói riêng là việc làm cấp thiết. Tin tưởng, với những chính sách hỗ trợ kịp thời của tỉnh, tinh thần tự lực, tự cường, vượt khó của các doanh nghiệp, hoạt động dịch vụ du lịch của toàn tỉnh sẽ sớm khôi phục, ổn định trở lại, tạo động lực quan trọng để đội tàu du lịch Hạ Long vốn đã dày công gây dựng trở thành thương hiệu du lịch quốc gia tiếp tục phát triển ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại.