Thời gian qua, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) thành lập mới trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng. Theo chiều ngược lại, cũng không ít doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động do gặp khó khăn hoặc thành lập một cách vội vàng khi chưa hội tụ đủ các yếu tố cần thiết. Chính vì vậy, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ DNNVV tiếp cận các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh.
Với đặc thù hạn chế về nguồn vốn, trình độ công nghệ, mặt bằng sản xuất… nên các doanh nghiệp này gặp nhiều thách thức trong việc mở rộng cơ hội sản xuất, kinh doanh; dễ bị “tổn thương” do tác động của các yếu tố ngoại cảnh bất lợi. Chính vì vậy, việc nâng cao sức đề kháng cho DNNVV trước những rủi ro thương mại, sức ép của thị trường là đặc biệt quan trọng. Xác định rõ điều đó, tỉnh và các ngành, địa phương đã có nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ chuyển đổi số, khuyến khích thành lập các doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh mới…
Đặc biệt, tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tổ công tác này do Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ theo lĩnh vực phụ trách. Hằng tuần, lãnh đạo UBND tỉnh đều gặp gỡ doanh nghiệp để nghe phản ánh khó khăn, trực tiếp chỉ đạo ngành, địa phương có giải pháp để khắc phục. Cùng với đó là hỗ trợ pháp lý, tạo điều kiện cho những DNNVV có đủ năng lực khi tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường, qua đó góp phần thúc đẩy, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh phúc lợi xã hội tại địa phương.
Các sở, ngành, địa phương của tỉnh cũng thường xuyên cung cấp thông tin cần thiết cho hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp thông qua các website, fanpage của tỉnh, địa phương, sở, ngành; qua nhóm zalo, email, phát hành văn bản. Nội dung thông tin tập trung vào các chủ trương, chính sách mới ban hành của Trung ương, tỉnh; văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp, những thông tin về thị trường, xu hướng công nghệ, môi trường, chính sách và những tác động của chính sách mới tới doanh nghiệp.
Ngoài ra, một số sở, ngành đã chủ động tuyên truyền, phổ biến những quy định mới của các nước trong khối EU, Đông Bắc Á, Nam Á về nhập khẩu lương thực, thực phẩm; các quy định, quy tắc về hợp tác quốc tế. Những quy định về các cam kết trong Hiệp định ASEAN, ASEAN+ và RCEP, Hiệp định EVFTA, thông tin về chuyển dịch chuỗi cung ứng sản xuất trên quy mô toàn cầu, cuộc cách mạnh công nghiệp 4.0 gắn với chuyển đổi số… cũng đã được cập nhật thường xuyên đến cộng đồng doanh nghiệp.
Để khuyến khích việc phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, tỉnh cũng đã khai trương Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hỗ trợ chuyển đổi số có chức năng cung cấp không gian, tiện ích, phương tiện phục vụ cho các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng. Trung tâm góp phần tăng số lượng và chất lượng các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khoa học công nghệ; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương theo chiều sâu trên cơ sở tăng cường đóng góp của khoa học công nghệ; tăng cường hợp tác công tư, thúc đẩy liên kết ba nhà theo định hướng phát triển của tỉnh.
Mới đây nhất, ngày 17/6/2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 152/KH-UBND hỗ trợ DNNVV trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2024-2026. Nội dung hỗ trợ bao gồm tiếp cận các thông tin về chính sách, chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ lãi suất theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các gói tín dụng ưu đãi phù hợp với từng loại hình, phương án kinh doanh của doanh nghiệp; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến hoạt động ngân hàng thông qua các hoạt động kết nối ngân hàng – doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp. Ngoài nội dung trên các doanh nghiệp còn được hỗ trợ thuế, kế toán, mặt bằng sản xuất, hỗ trợ ươm tạo cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung, mở rộng thị trường, công nghệ thông tin, nguồn nhân lực…
Với các giải pháp đồng bộ của tỉnh và các ngành, địa phương, khu vực DNNVV có điều kiện thuận lợi hơn để phát triển bền vững cả về số lượng và chất lượng, tiếp tục phát huy vai trò là thành phần kinh tế chủ lực, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh. 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 983 doanh nghiệp thành lập mới (lớn nhất từ trước tới nay), đạt 49,15% kế hoạch giao, tăng 12,09% cùng kỳ 2023, gấp 2 lần so với trung bình cả nước (6,07%), xếp thứ 4 Vùng đồng bằng sông Hồng, có 455 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại, tăng 5,1%.