Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Cục Hàng hải phối hợp các đơn vị liên quan hỗ trợ doanh nghiệp trước tình trạng cước vận tải biển với hàng container đi châu Âu, châu Mỹ tăng cao.
Trước tình trạng cước vận tải biển với hàng container đi châu Âu, châu Mỹ tăng, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Cục Hàng hải bảo đảm hệ thống cảng biển thông suốt trên toàn quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu. Đồng thời nghiên cứu, triển khai ngay các giải pháp để nâng cao hiệu quả khai thác kết cấu hạ tầng hàng hải.
Đẩy nhanh thủ tục ra, vào cảng và việc xếp dỡ hàng hóa đối với tàu chở hàng hóa xuất nhập khẩu, đặc biệt là hàng container đi châu Âu, châu Mỹ.
Khẩn trương làm việc với hãng tàu có tuyến vận tải đi châu Mỹ, châu Âu để kêu gọi và thu hút các hãng tàu duy trì tuyến, bổ sung chỗ, vỏ container về Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa.
Nghiên cứu cơ chế chính sách nhằm thu hút các hãng vận tải container mở tuyến mới đến Việt Nam. Tiếp tục khẩn trương nghiên cứu cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đặc biệt thủ tục liên quan đến hoạt động tàu thuyền.
Trước đó, báo cáo Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải cho biết trong tuần đầu tháng 1-2024 cước vận tải biển với hàng container từ châu Á đi châu Âu, châu Mỹ tăng khoảng 60% so với thời điểm cuối năm 2023, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023.
Cụ thể, mức giá từ cảng Thượng Hải (Trung Quốc) đi cảng phía tây Mỹ tăng 30%, từ 2.100 USD/container 40 feet lên 2.726 USD; đi cảng Rotterdam (Hà Lan) tăng 115%, từ 1.191 USD/container 40 feet lên 3.577 USD…
Tại Việt Nam, cước vận tải biển đi châu Âu, châu Mỹ cũng tăng theo xu thế chung của thế giới. Giá cước từ Việt Nam đi cảng khu vực tây Mỹ là 2.650 USD/container 40 feet, đi cảng khu vực đông Mỹ 3.900 USD/container 40 feet, đi châu Âu 4.900 USD/container 40 feet (theo báo giá của một số hãng tàu).
Bên cạnh đó, thị trường vận tải biển cũng xảy ra việc hủy, bỏ chuyến.
Thống kê của trang Drewry (trung tâm nghiên cứu hàng hải độc lập cung cấp thông tin về thị trường hàng hải), trên các tuyến vận chuyển hàng hải chính (xuyên Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, châu Á – Bắc Âu và Địa Trung Hải) có 78/650 tuyến bị hủy trong thời gian từ tuần thứ hai của tháng 1-2024 đến giữa tháng 2-2024, tỉ lệ hủy chiếm 12%.
Các liên minh hãng tàu lớn như Ocean Alliance đã thông báo 29 lần hủy; 2M có 13 lần hủy; The Alliance có 12 lần hủy trong 5 tuần tới. Trong cùng thời gian, các hãng tàu không thuộc liên minh cũng thông báo hủy 24 tuyến.
Có khoảng 88% tuyến tàu vẫn thông báo thực hiện đúng lịch trình trong 5 tuần tới. Tuy nhiên, các tuyến tàu có thể thay đổi lịch trình trong thời gian tới nếu thị trường thế giới bất ổn, ảnh hưởng đến an toàn hàng hải.
Theo Cục Hàng hải, tuyến vận tải từ châu Á đi châu Âu có hành trình ngắn nhất là tàu đi qua biển Đỏ và kênh đào Suez với chi phí tối ưu. Nhưng từ cuối năm 2023, xung đột tại khu vực biển Đỏ khiến các hãng tàu không đi qua kênh đào Suez mà đi vòng qua mũi Hảo Vọng.
Việc này khiến hành trình tàu dài thêm 10 – 14 ngày so với trước, phát sinh thêm rất nhiều chi phí vận chuyển. Đây là nguyên nhân khiến cước vận tải biển tăng cao và hiện tượng thiếu container có thể xảy ra.