Với việc triển khai hiệu quả Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững kinh tế – xã hội, đảm bảo vững chắc quốc phòng – an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tình hình kinh tế – xã hội của huyện Ba Chẽ đã có sự đổi thay rõ rệt trong thời gian vừa qua.
Để Nghị quyết 06 sớm đi vào cuộc sống, huyện Ba Chẽ đã chủ động xây dựng, ban hành chương trình hành động và kế hoạch thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Trong đó, có 21 nhóm mục tiêu, chỉ tiêu và 73 nhiệm vụ được phân công, giao cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn, để tổ chức triển khai đảm bảo rõ người, rõ việc, rõ thời gian thực hiện, thời gian hoàn thành, gắn với đánh giá, phân loại tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao. Đến nay, 21 mục tiêu chủ yếu của chương trình được triển khai đồng bộ, vượt tiến độ bình quân, có hiệu quả, trong đó 16 mục tiêu đã đạt và vượt kế hoạch đề ra đến năm 2025.
Với sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh, huyện Ba Chẽ đã tập trung ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông, các công trình thiết yếu, tạo động lực thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách đạt kết quả cao.
Tổng nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế – xã hội được phân bổ, huy động giai đoạn 2021-2023 đạt 4.132.527 triệu đồng. Nhiều dự án cấp thiết trên địa bàn huyện đã được triển khai thi công và hoàn thành, đưa vào sử dụng, góp phần đồng bộ mạng lưới kết cấu hạ tầng, tạo động lực thúc đẩy kinh tế – xã hội của địa phương phát triển. Đặc biệt là hệ thống giao thông được quan tâm cải tạo nâng cấp đồng bộ, từ năm 2020 đến nay đã có khoảng 77km đường giao thông các loại được đầu tư mới và cải tạo mở rộng.
Đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho nhân dân được Ba Chẽ xác định là nhiệm vụ then chốt. Cấp ủy các cấp trên địa bàn huyện đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, tăng cường ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, liên kết tạo ra chuỗi trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng những sản phẩm mang thương hiệu của địa phương. Một số sản phẩm đặc sản của huyện đã được quan tâm xây dựng thương hiệu như trà hoa vàng, ba kích tím, mật ong rừng, măng mai Ba Chẽ, nấm linh chi…
Đặc biệt, huyện đã tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững đến 2025, tầm nhìn đến 2030, đảm bảo cho người dân có thu nhập ổn định từ rừng, ổn định sinh kế bền vững.
Theo đó, rà soát, xử lý dứt điểm tình trạng chồng lấn trong quy hoạch 3 loại rừng, tranh chấp đất rừng, đất lâm nghiệp giữa hộ gia đình với các tổ chức được giao quản lý, chăm sóc, bảo vệ, sử dụng rừng, bảo đảm an ninh trong vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo; tăng diện tích rừng có chứng chỉ, tích cực chuyển đổi từ rừng sản xuất sang rừng cảnh quan, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Hoàn thành phân vùng trồng lim, dổi, lát, cây gỗ lớn, cây bản địa, phấn đấu duy trì hằng năm trồng rừng tập trung trên 3.500ha, đến năm 2025 cấp chứng chỉ FSC rừng trồng tối thiểu 15.000ha. Nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt 72,2% và nâng cao chất lượng rừng.
Cùng với đó, tập trung phát triển tiềm năng, thế mạnh về du lịch, trong đó triển khai các biện pháp cụ thể để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, gắn phát triển sản xuất với bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn.
Các chính sách an sinh xã hội vùng đồng bào DTTS được thực hiện hiệu quả. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người gấp 1,6 lần so với năm 2020; huyện không còn xã, thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn, không còn hộ nghèo theo chuẩn của Trung ương; công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được giữ vững và nâng cao về tỷ lệ, mức độ chuẩn. Đến nay, Ba Chẽ có 7/7 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao), huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022. Tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số nghèo giảm hơn 3%/năm. Đến năm 2023, theo tiêu chí của Trung ương huyện không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo là 39 hộ (tỷ lệ 0,69%); theo tiêu chí của tỉnh, huyện còn 21 hộ nghèo (tỷ lệ 0,37%); 111 hộ cận nghèo (tỷ lệ 1,95%).