Đời sống ngày càng phát triển, các hoạt động, phong trào văn hóa, văn nghệ càng diễn ra sôi nổi, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Qua đó, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở.
Những năm gần đây, Tiên Yên là một trong số các địa phương có phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng phát triển rộng khắp. Kết quả, từ phong trào không chỉ làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của người dân mà còn giúp bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện.
Trong đó, việc duy trì Phố đi bộ Tiên Yên với toàn bộ các chương trình văn nghệ do 35 câu lạc bộ văn nghệ địa phương tự nguyện biểu diễn miễn phí vào các dịp cuối tuần đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân. 5 năm qua, toàn huyện đã tổ chức được trên 600 chương trình văn nghệ, tổ chức và tham gia hàng trăm hội thi, hội diễn do các cấp, ngành tổ chức gắn với các sự kiện tiêu biểu của đất nước, của tỉnh như Liên hoan tiếng hát khu dân cư, hội diễn nghệ thuật quần chúng…
Bà Nông Thị Hảo, xã Phong Dụ (huyện Tiên Yên), chia sẻ: Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao ở tuyến phố đi bộ Tiên Yên đã mang đến “một làn gió mới” cho nhịp sống của người dân toàn huyện nói chung. Đội văn nghệ xã tôi vẫn duy trì tập luyện đều đặn, đặc biệt đến ngày biểu diễn sẽ tập luyện tích cực hơn để mang đến tiết mục hấp dẫn phục vụ nhân dân. Thật sự qua các hoạt động giao lưu văn nghệ bổ ích, tình làng nghĩa xóm càng được thắt chặt, gắn bó hơn.
Không chỉ tại các địa phương, các ngành, cơ quan, đơn vị cũng tích cực tổ chức phong trào, hoạt động văn hóa sôi nổi, rộng khắp tạo môi trường giao lưu, sinh hoạt văn hóa lành mạnh cho cán bộ, nhân viên và nhân dân tham gia. Tiêu biểu như ngành Than với hội thi tiếng hát người lao động, các hội diễn nghệ thuật quần chúng được tổ chức hằng năm từ cấp Tập đoàn tới các công ty thành viên; Tỉnh Đoàn định kỳ tổ chức các hội thi Họa mi vàng, Giai điệu tuổi hồng, Liên hoan các nhóm tuyên truyền ca khúc cách mạng, Liên hoan các nhóm nhảy thanh niên…
Thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 7/5 (1954-2024), 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12 (1944-2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân 22/12 (1989-2024), Bộ CHQS tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức Liên hoan Nghệ thuật quần chúng LLVT tỉnh Quảng Ninh và Thanh niên, sinh viên năm 2024. Theo đó, các cơ quan thuộc Bộ CHQS tỉnh, 13 Ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố đã tích cực hưởng ứng, tham gia sôi nổi.
Ngày 6/4 vừa qua, TP Uông Bí đã tổ chức liên hoan với sự tham gia của 6 đoàn nghệ thuật quần chúng đến từ 6 Cụm thi đua LLVT thành phố. Với chủ đề “Khúc quân hành vùng Đông Bắc”, các tiết mục mang đến liên hoan đều được đầu tư dàn dựng công phu, chuyên nghiệp, tập trung ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu; ca ngợi truyền thống cách mạng, truyền thống dân tộc; tình yêu quê hương, đất nước; khát vọng cống hiến trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tình đoàn kết quân dân; hình tượng người chiến sĩ trong công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu…
Thượng tá Trần Anh Tuấn, Chính trị viên Ban CHQS TP Uông Bí, cho biết: Liên hoan đã mang đến một không khí giao lưu văn hóa, văn nghệ vui tươi, sôi nổi giữa LLVT và nhân dân, thanh niên, sinh viên trên địa bàn, gắn kết thêm tình cảm quân dân sâu sắc. Thông qua liên hoan nhằm tuyên truyền sâu rộng về truyền thống lịch sử, văn hóa cách mạng của dân tộc, văn hóa tỉnh và địa phương, góp phần giáo dục tư tưởng chính trị, lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Thực tế cho thấy, các địa phương, đơn vị có phong trào văn nghệ quần chúng phát triển mạnh đều là những điển hình tiêu biểu trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Qua đó, không chỉ tạo được sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư, đội ngũ cán bộ, nhân viên, người lao động mà còn góp phần cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước, thúc đẩy phong trào lao động sản xuất, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ đề ra, xây dựng môi trường văn hóa trong đơn vị, doanh nghiệp, khu dân cư. Cũng từ các phong trào nghệ thuật quần chúng đã trở thành bệ phóng, là nơi tìm kiếm và bồi dưỡng tài năng trở thành những hạt nhân văn nghệ xuất sắc cho phong trào văn nghệ của đơn vị, địa phương.
Để phong trào văn nghệ quần chúng tiếp tục lan tỏa sâu rộng, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với việc tham gia phát triển phong trào. Đồng thời, quan tâm duy trì, kiện toàn các đội văn nghệ quần chúng; tăng cường thực hiện chủ trương xã hội hóa, đầu tư, trang bị đầy đủ hệ thống thiết chế văn hóa phục vụ hoạt động văn nghệ quần chúng. Qua đó, góp phần xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững.