Những tranh luận không có hồi kết trên mạng xã hội giờ đây đã trở thành một chiêu trò, là nơi để đấu tố mâu thuẫn, xung đột cá nhân của nhiều người nổi tiếng.
Mạng ảo gắn liền ồn ào
Nửa đầu năm 2024, showbiz Việt chứng kiến nhiều ồn ào, từ những phiên livestream tai tiếng của Nam Em, Hoàng Thùy tố bị chèn ép phải rời ghế giám khảo, loạt bài đăng tố Nam Thư ngoại tình với đàn ông đã có gia đình…
Xoay quanh đời tư của những người nổi tiếng, hàng loạt bài đăng, phát ngôn gây xôn xao, được cộng đồng mạng bàn luận, tương tác đông đảo. Xuất phát từ đó, người trong cuộc phải đối mặt với sức ép lớn từ dư luận, nhận nhiều chỉ trích, bị công kích bằng bình luận ác ý.
Nhiều khán giả cho rằng, bất kỳ chuyện gì cũng có thể được người trong giới giải trí đưa lên trang cá nhân, từ chuyện ly hôn chia tay, đá xoáy đồng nghiệp, vạch trần góc khuất của một cá nhân/tổ chức hay đến cả… đòi nợ.
Nhìn vào những lần sao Việt “vạch áo cho người xem lưng”, công chúng nhận thấy họ mất nhiều hơn được. Các vụ đấu tố trên mạng xã hội hầu như có kết quả chung là không giải quyết được vấn đề, nhưng ảnh hưởng từ đó khiến nhiều người lao đao.
Thế nhưng, những câu chuyện thuộc về mảng tối phía sau sân khấu lại luôn có sức hút lớn đối với công chúng. Như MC Thành Trung từng chia sẻ với Lao Động, sự nổi tiếng có ma lực rất lớn, khiến người ta phải theo đuổi. Anh cho rằng, danh tiếng là danh dự và uy tín, bởi những người có danh tiếng chưa chắc đã nổi tiếng, những người nổi tiếng chưa chắc đã có danh tiếng, lại có những người nổi tiếng từ những hoạt động không mang lại giá trị cho xã hội.
Mạng xã hội là con dao hai lưỡi
Bên cạnh những lợi ích hay cơ hội là rủi ro, hệ lụy khôn lường nếu người dùng thiếu chuẩn mực trong phát ngôn và cách ứng xử. Những tâm thư, cuộc khẩu chiến diễn ra hàng ngày trên mạng của người nổi tiếng cho thấy để tạo dựng tên tuổi, sự yêu mến trong lòng công chúng là vô cùng khó khăn, nhưng để gìn giữ niềm tin đó còn khó hơn nhiều lần.
Hậu quả khó lường
Trao đổi với Lao Động, ThS. Lê Đình Quyết – Giảng viên ĐH Luật Hà Nội, Cố vấn cấp cao Công ty Luật LVI Law Firm – cho biết, những hành vi vu khống, xuyên tạc trên mạng xảy ra thường xuyên, tràn lan và khó kiểm soát. Mạng xã hội có tầm ảnh hưởng lớn trong cuộc sống hiện đại, là công cụ quan trọng để chia sẻ thông tin, giao tiếp xã hội.
Trên thực tế, chỉ bằng một một bài viết, một sao Việt có thể bị cộng động mạng tấn công, hoặc gây sốc với những hành vi ứng xử xấu xí.
Ngoài những bức xúc cá nhân khiến nghệ sĩ phải đưa chuyện đời tư của mình lên trang cá nhân tìm hướng giải quyết, vẫn còn những người lợi dụng “drama” để nổi tiếng, gây sự chú ý.
Người dùng mạng xã hội tham gia vào các nền tảng này với nhiều mục đích khác nhau, có quyền đăng bài, tương tác, bàn luận, lan truyền… Việc này tạo nên tính cộng đồng của mạng xã hội nhưng cũng gây khó khăn cho quá trình kiểm soát và xác thực thông tin. Theo ông Lê Đình Quyết, người dùng mạng xã hội chưa nhận thức đúng đắn về hậu quả, hệ lụy của việc chia sẻ thông tin sai lệch, xuyên tạc hay bôi nhọ trên các nền tảng số. Nhiều người dùng đã tận dụng tốc độ lan truyền chóng mặt của mạng xã hội để thu hút sự chú ý, tạo dựng hình ảnh, trục lợi cá nhân, định hướng dư luận. Chuyên gia nhận định, chế tài xử phạt các hành vi vi phạm trên mạng xã hội chưa đủ sức răn đe, mức xử phạt hành chính còn thấp so với hậu quả mà người bị hại phải gánh chịu.
Hiện nay, hành vi sử dụng mạng xã hội để vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác sẽ xử bị phạt hành chính theo quy định tại điểm g, khoản 3 điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng. Trường hợp hành vi xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội danh tương ứng như: Tội làm nhục người khác quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 tới hoặc Tội vu khống quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015.