Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân để giải quyết những vấn đề bức xúc ngay từ cơ sở, từ đó ban hành các nghị quyết thật sự hướng tới người dân, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển… là những mục tiêu mà HĐND tỉnh Quảng Ninh đã và đang thực hiện. Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, trên tất cả lĩnh vực hoạt động, HĐND tỉnh đều có những đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đất nước, được cử tri, nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Nâng chất các kỳ họp
Một trong những hoạt động để lại nhiều dấu ấn của HĐND tỉnh khóa XIV từ đầu nhiệm kỳ đến nay chính là nâng cao chất lượng các kỳ họp, kịp thời quyết định nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách phục vụ cho hoạt động KT-XH của tỉnh. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức thành công 19 kỳ họp. Tại các kỳ họp đã ban hành gần 300 nghị quyết, trong đó hầu hết là các nghị quyết về cơ chế, biện pháp, chính sách nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật, cụ thể hóa những đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.
Để ban hành được những nghị quyết đi vào cuộc sống như vậy chính là sự chủ động từ sớm, từ xa, kỹ lưỡng, công phu trong công tác chuẩn bị. Đồng chí Vi Ngọc Bích, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, cho biết: Để chuẩn bị tốt mỗi kỳ họp, ngay sau khi có chủ trương của Tỉnh uỷ về tổ chức kỳ họp HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh chủ động trong triển khai nhiệm vụ, đề nghị các cơ quan chức năng đăng ký sớm những nội dung trình tại kỳ họp theo quy định. Thường trực HĐND tỉnh chủ động phối hợp với UBND tỉnh, các cơ quan chức năng dự kiến thời gian, nội dung, chương trình các kỳ họp và báo cáo, đề xuất rõ những nội dung thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương theo quy chế làm việc, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trước khi trình HĐND tỉnh.
Để nâng cao chất lượng các nghị quyết khi được ban hành, hoạt động thẩm tra được Thường trực HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh chú trọng thông qua cách làm linh hoạt, chủ động, phù hợp với quy định của pháp luật ở từng khâu, từng bước trước, trong và sau thẩm tra, qua đó mang lại hiệu quả rõ nét. Cùng với đó là việc đổi mới trong tổ chức phiên chất vấn – trả lời chất vấn, thảo luận tổ và thảo luận tại hội trường. Những nhóm vấn đề được đại biểu đưa ra thảo luận và chất vấn đều là những vấn đề “nóng”, cấp bách của địa phương, được cử tri, nhân dân trong toàn tỉnh quan tâm.
Đặc biệt, để tạo nên những kỳ họp đổi mới, thực chất, phát huy được tính dân chủ và trí tuệ tập thể, luôn có dấu ấn rất quan trọng trong vai trò “nhạc trưởng” của Chủ tọa điều hành kỳ họp. Chủ tọa kỳ họp điều hành theo hướng giảm thời gian trình bày báo cáo, tăng thời gian thảo luận tại kỳ họp; định hướng, gợi ý nội dung để đại biểu tập trung thảo luận có trọng tâm, trọng điểm, làm rõ những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, tạo sự nhất trí cao, phát huy dân chủ và trí tuệ của đại biểu trong thảo luận, quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương. Không chỉ chủ động, linh hoạt, khoa học trong việc “hướng” kỳ họp vào các vấn đề trọng tâm theo chương trình đã được đề ra, Chủ tọa còn điều hành một “kỳ họp không giấy” bước đầu rất hiệu quả. Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số sẽ giúp cho hoạt động của HĐND tỉnh ngày càng đổi mới, hiện đại hóa, đáp ứng tốt hơn yêu cầu công việc trong tình hình mới.
Giám sát đúng và trúng
Trong quá trình hoạt động, HĐND tỉnh luôn coi giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác. Theo đó, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, hoạt động giám sát của HĐND tỉnh ngày càng đổi mới theo hướng thực chất, đúng và trúng những vấn đề bất cập trong thực tiễn trên tinh thần xây dựng, vì mục tiêu kiến tạo phát triển.
Theo đánh giá của nhiều cử tri, việc lựa chọn nội dung giám sát của HĐND tỉnh ngày càng hiệu quả, thiết thực, phù hợp thực tiễn của tỉnh. Nhờ đó, sau giám sát, giải trình của HĐND tỉnh, nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế, bức xúc đã được các cấp, ngành tổ chức khắc phục và có chuyển biến tích cực.
Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND tỉnh và các ban HĐND tỉnh đã thực hiện hiệu quả khoảng 20 cuộc giám sát chuyên đề; gần 100 cuộc giám sát, khảo sát thường xuyên, đột xuất. Nổi bật như: Giám sát, khảo sát thường xuyên việc chấp hành nghị quyết HĐND tỉnh về dự toán thu – chi NSNN, giải ngân vốn đầu tư công; giám sát việc thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh về Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo và phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2021; giám sát về tình hình chấp hành pháp luật trong công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2021; giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật trong cấp phép quản lý, sử dụng các mỏ đá, mỏ đất, việc sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh…
Các cuộc giám sát, khảo sát đúng trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những lĩnh vực còn nhiều hạn chế, tồn tại; phương thức giám sát tiếp tục hướng về cơ sở và đi sâu vào những nội dung cụ thể. Quá trình triển khai giám sát đã có sự phối hợp tích cực của các cấp, ngành, đơn vị hữu quan, nhất là sự tham gia phối hợp giữa Thường trực HĐND, các ban HĐND các cấp. Do vậy, những nhận định, đánh giá của các đoàn giám sát HĐND tỉnh luôn mang tính toàn diện, sát thực tiễn.
Thông qua giám sát đã giúp cho HĐND tỉnh nắm rõ hơn về tình hình thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước và việc thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh; đồng thời phát hiện, kiến nghị UBND tỉnh, các bộ, ngành liên quan điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách, những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của cơ sở. Nhiều kiến nghị đã được UBND tỉnh tiếp thu, chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung giải quyết, góp phần kịp thời tháo gỡ khó khăn nhiều vấn đề lớn, bức xúc của tỉnh và các địa phương, đồng thời thấy rõ trách nhiệm, tính chủ động, nghiêm túc trong việc triển khai thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh.
Bên cạnh đó, các báo cáo, kết luận giám sát đã giúp cho Thường trực HĐND, các ban HĐND có thêm thông tin để thẩm tra các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết do UBND trình kỳ họp, cung cấp thông tin hữu ích cho đại biểu HĐND trong quá trình thảo luận, quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương cũng như chất vấn, tái chất vấn và giám sát tại kỳ họp.
Thấu đáo trong từng kiến nghị của cử tri
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, thông qua tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh và thông qua các hình thức trực tuyến tại các kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh đã tiếp nhận hàng trăm kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trả lời. Nội dung kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các mặt của đời sống KT-XH trên các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của UBND các cấp, các sở, ngành cấp tỉnh.
Qua giám sát cho thấy, UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri do Thường trực HĐND tỉnh tổng hợp, chuyển đến trước, trong và sau các kỳ họp HĐND tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đáp ứng nguyện vọng của cử tri. Điển hình như kiến nghị cử tri TP Cẩm Phả về việc trong khu đô thị còn tồn tại nhiều cột điện chưa được dịch chuyển sau khi mở rộng đường, ảnh hưởng đến ATGT, mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với các hộ dân xung quanh, UBND tỉnh đã yêu cầu Công ty Điện lực Quảng Ninh triển khai các giải pháp và đến nay cơ bản đã được giải quyết, đáp ứng nguyện vọng của cử tri.
Hay như kiến nghị của cử tri huyện Đầm Hà về cơ chế hỗ trợ kinh phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sản xuất để nhân dân có điều kiện phát triển kinh tế trang trại, chuồng trại chăn nuôi quy mô lớn, trồng cây ăn quả tập trung, hỗ trợ HTX về đất đai để mở rộng sản xuất… Từ kiến nghị này, huyện Đầm Hà đã chỉ đạo rà soát diện tích đất để phát triển sản xuất cây ăn quả tập trung trên địa bàn. UBND tỉnh cũng giao huyện Đầm Hà chủ động huy động các nguồn lực hợp pháp để hỗ trợ kinh phí chuyển đổi mục dích sử dụng đất rừng sản xuất cho nhân dân…
Đối với những kiến nghị đã được chỉ đạo giải quyết nhưng chưa dứt điểm, HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị triển khai quyết liệt, đảm bảo theo quy định, nhằm giải quyết có kết quả các kiến nghị chính đáng của cử tri.
Bà Nguyễn Thị Vân (khu 5A, phường Quang Trung, TP Uông Bí) cho biết: Thời gian qua, đại biểu HĐND tỉnh luôn quan tâm đến công tác nắm bắt các vấn đề ở cơ sở. Các đại biểu thường xuyên giữ mối liên hệ với cử tri nơi được bầu để lắng nghe ý kiến, phản ánh, giám sát các cơ quan chức năng giải quyết. Những kiến nghị qua mỗi lần tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh đều được nắm bắt và được các cơ quan, đơn vị quan tâm giải quyết, nhất là những vấn đề dân sinh như cải tạo đường giao thông, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp…
Để công tác giải quyết kiến nghị của cử tri đạt hiệu quả, chất lượng, công tác tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp HĐND các cấp đều được tổ chức thực hiện nghiêm túc, có nhiều đổi mới. Công tác tiếp công dân, tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại của công dân được Thường trực HĐND tỉnh quan tâm thực hiện nghiêm túc. Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026, Thường trực HĐND tỉnh đã ban hành thông báo lịch tiếp công dân để đại biểu HĐND tỉnh tiếp công dân theo quy định. Thường trực HĐND tỉnh tham gia tiếp công dân định kỳ vào ngày 15 hằng tháng cùng UBND tỉnh và Đoàn ĐBQH tỉnh. Sau mỗi cuộc tiếp công dân, các đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của công dân được phân loại, tổng hợp để trả lời, hoặc chuyển tới cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Từ việc sâu sát cơ sở, cùng với sự đổi mới, trách nhiệm, thấu đáo trong từng công việc đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh, phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh và đất nước. Qua đó, tạo đà vững chắc cho tỉnh tiếp tục gặt hái nhiều thành công mới trong phát triển KT-XH, khẳng định được vai trò là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của người dân Vùng mỏ.