Sách “Hàm Nghi – Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger” do Amandine Dabat – hậu duệ đời thứ năm của vua – biên soạn.
Sách có 71 trang tác phẩm mỹ thuật, 12 trang tác phẩm điêu khắc, 68 trang ảnh tư liệu, thư từ, được dịch từ bản gốc tiếng Pháp Hàm Nghi – Empereur en exil, artiste à Alger do Nhà xuất bản Sorbonne ấn hành năm 2019. Để thực hiện bộ sách, TS. Amandine Dabat dựa vào bộ sưu tập Hàm Nghi do hậu duệ của vua lưu giữ gồm 2.500 tài liệu, chủ yếu là thư từ vua nhận được và các bản thảo thư do ông viết trong thời gian lưu đày. Nguồn thứ hai là tài liệu của chính quyền Alger chứa đựng những văn bản hành chính và các dự án chính trị của chính phủ Pháp liên quan đến vua.
Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế, nhận định sự kiện ra mắt sách có ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực đối ngoại văn hóa, mang lại tác động trong công chúng và giới nghiên cứu văn hóa, lịch sử, nghệ thuật.
Sau buổi tọa đàm, hậu duệ của vua Hàm Nghi đã trao tặng cho Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đôi đũa cung đình bằng ngà hải mã, được Thái hậu Từ Dũ giao cho bà Phan Thị Hòa sử dụng trong bữa ăn của vua Hàm Nghi (giai đoạn Cần Vương 1885-1889); Đôi tiềm bằng sứ – vật dụng của gia đình vua.
Nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật Amandine Dabat là chắt gái của công chúa Như Lý – con gái vua Hàm Nghi. Bà là tiến sĩ Lịch sử nghệ thuật tại Đại học Sorbonne, thạc sĩ Việt Nam học ở Đại học Paris 7-Diderot. Năm 2015, bà bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Viện Lịch sử Nghệ thuật Quốc gia Pháp với đề tài Hàm Nghi-Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger.
Tháng 1/2023, Tiến sĩ Amandine Dabat về Việt Nam kể về cuộc sống của vua khi bị lưu đày ở Algérie cho đến cuối đời.
Sắp tới, bà có ba buổi giới thiệu sách tại Đền tưởng niệm vua Hàm Nghi ở thành Tân Sở – Quảng Trị (ngày 7/11), Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội (12/11) và khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (13/11).
Vua Hàm Nghi tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Lịch, con trai thứ năm của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai. Từ nhỏ, ông sống trong cảnh bần hàn, dân dã với mẹ chứ không như hai người anh ruột ở trong cung là vua Đồng Khánh và vua Kiến Phúc.
Năm 1884, ông được các phụ chính đại thần chủ trương chống Pháp là Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đưa lên ngôi lúc 13 tuổi. Sau khi kinh đô Huế thất thủ năm 1885, vua Hàm Nghi được Tôn Thất Thuyết đưa vào rừng núi Tân Sở. Tại đây, vua ban chiếu Cần Vương, kêu gọi sĩ phu và nông dân nổi dậy chống Pháp giành độc lập.
Giặc Pháp đã bắt vua Hàm Nghi, ngày 25/11/1888 đưa ông xuống tàu đi vào Lăng Cô. Chiều 13/1/1889, vua đến thủ đô Alger của Algérie và qua đời tại đây năm 1944 do ung thư dạ dày.