Tháng 9/2020, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập KKT ven biển Quảng Yên với diện tích hơn 13.300ha. Đến nay KKT này phát triển mạnh mẽ, góp phần đưa Quảng Yên trở thành một trong những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế – xã hội cao nhất tỉnh. Trên đà phát triển ổn định cùng với nhiều thế mạnh, tiềm năng nổi trội được khơi thông, KKT ven biển Quảng Yên đang trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư.
Tạo bứt phá thu hút đầu tư
KKT ven biển Quảng Yên thành lập trên cơ sở 2 khu vực: Khu phức hợp đô thị, công nghiệp, công nghệ cao tại TP Uông Bí và TX Quảng Yên; khu dịch vụ cảng biển, công nghiệp và đô thị Đầm Nhà Mạc, TX Quảng Yên. Ước tính giai đoạn 2020-2035 tổng nhu cầu đầu tư cho KKT này khoảng 160-161 nghìn tỷ đồng. Mục tiêu là xây dựng, phát triển KKT ven biển Quảng Yên là hạt nhân, động lực tăng trưởng mới của tuyến phía Tây và của tỉnh, trở thành đô thị – công nghiệp – dịch vụ – cảng biển thông minh, hiện đại; phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ sản xuất và dịch vụ xã hội hiện đại, đồng bộ để thu hút các doanh nghiệp sử dụng công nghệ và lao động trình độ cao, sản phẩm, dịch vụ cung cấp có năng lực cạnh tranh quốc tế.
Xác định thu hút đầu tư vào KCN trong KKT là giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế bền vững, thời gian gần đây Quảng Yên tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế. Thị xã tập trung ưu tiên nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các KCN. Đến nay KKT ven biển Quảng Yên đang phát triển 5 KCN: Đông Mai, Sông Khoai, Nam Tiền Phong, Bắc Tiền Phong và Bạch Đằng. Quảng Yên hiện là địa phương trong tỉnh có nhiều KCN nhất. Năm 2024 Quảng Yên phối hợp với các sở, ban, ngành đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thu hút được 24 dự án đầu tư nước ngoài với diện tích đất đăng ký trên 137ha (23 dự án đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký 1.337 triệu USD; 1 dự án của nhà đầu tư trong nước, vốn đăng ký khoảng 741 tỷ đồng). Đáng chú ý, quý IV/2024, KCN Bắc Tiền Phong có 4 sản phẩm công nghiệp mới: Xe địa hình ATV, xe scooter, xe cân bằng điện, xe điện sân golf của công ty TNHH Bike vehicle Việt Nam.
KCN Sông Khoai được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư năm 2018, chính thức được bàn giao mặt bằng năm 2021. Sau 4 năm KCN Sông Khoai đã thu hút được 19 dự án đầu tư thứ cấp; riêng năm 2024 thu hút thêm 4 dự án mới của các “ông lớn” như: Foxconn, IKO Thompson, Tenma, Yaskawa,… nâng tổng số vốn đầu tư lên gần 3 tỷ USD. Điều làm nên sức hấp dẫn của KCN này là lợi thế về quy mô, hạ tầng và ưu đãi thuế hấp dẫn thuộc KKT ven biển, đặc biệt là vị trí địa lý chiến lược. Dự án KCN Sông Khoai nằm tại vùng lõi của KKT ven biển Quảng Yên. Từ đây các doanh nghiệp thứ cấp có thể sử dụng toàn bộ dịch vụ, nguồn nhân lực của TX Quảng Yên, TP Uông Bí, TP Đông Triều, TP Hạ Long và cả một số khu vực lân cận như Hải Phòng, Hải Dương… Đặc biệt là kết nối giao thông thông qua các tuyến đường cao tốc và các cảng biển nước sâu, các sân bay quốc tế, thuận lợi cho việc vận chuyển và xuất khẩu hàng hóa.
Ông Nguyễn Văn Nhân, Tổng Giám đốc Công ty CP Đô thị Amata Hạ Long, cho biết: Trong quá trình đầu tư KCN Sông Khoai tại Quảng Yên nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung, Amata đã nhận được nhiều sự ủng hộ và hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương, đặc biệt trong công tác hành chính và GPMB. Chúng tôi đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chính quyền đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng và hoàn thiện hạ tầng, sẵn sàng chào đón các doanh nghiệp FDI tới đầu tư tại KCN. Theo định hướng quốc gia và Chính phủ về Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, Việt Nam đang tích cực mở cửa chính sách, nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài tiến vào để tham gia phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn. Thời gian tới Amata sẽ tập trung đầu tư hạ tầng, sẵn sàng đón thêm các “ông lớn” tới KCN. Song song với đó đảm bảo về các tiện ích, đặc biệt là công suất điện cho các nhà máy cần tiêu thụ nguồn điện lớn, để phục vụ quá trình sản xuất. Amata cũng sẽ tiếp tục đầu tư và phát triển, nâng cao tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo từ năng lượng mặt trời, năng lượng gió. Chúng tôi mong muốn sẽ tạo ra một môi trường đầu tư ngày càng hấp dẫn, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư thứ cấp lớn đến KCN Sông Khoai.
Để tạo sức hút vào KKT ven biển Quảng Yên, những năm qua trung ương, tỉnh đã quan tâm, ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông cho thị xã. Riêng giai đoạn 2020-2023, tổng kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách tỉnh cho các nhiệm vụ chi trên địa bàn thị xã và hỗ trợ Quảng Yên là 8.258 tỷ đồng, gần bằng 3 lần giai đoạn 2016-2020. Từ nguồn vốn này, thị xã tập trung cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 331B, đường tỉnh 338 kéo dài, đường nối đường tỉnh 331 với đường tỉnh 33, đường nối từ nút giao Chợ Rộc đến nút giao Phong Hải…
Đồng bộ về hạ tầng, cải thiện môi trường kinh doanh cùng các chiến lược kinh tế bài bản tại KKT ven biển Quảng Yên sẽ giúp vùng đất này trở thành cửa ngõ giao thương quan trọng của tỉnh Quảng Ninh cũng như khu vực đồng bằng sông Hồng và hướng tới là cửa ngõ giao thương quốc tế. Từ đó góp phần xây dựng Quảng Yên trở thành thành phố trong năm 2025, trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ cảng biển và logistics, đạt đô thị loại II trước năm 2030, là động lực tăng trưởng tích cực và bền vững của tỉnh.
Thành phố thông minh trong KKT
Nắm bắt cơ hội từ KKT Quảng Yên, thị xã đã và đang tập trung để phát triển hạ tầng, tạo động lực phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của một địa phương đang trong đà vươn lên trở thành thành phố trong năm nay.
Trên lộ trình trở thành thành phố vào năm 2025, đô thị loại II trước năm 2030, thời gian qua thị xã đã tập trung cho công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Thị xã đang xây dựng Đề án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nâng cấp đô thị thị xã trở thành thành phố vào năm 2025. Năm 2024, kinh tế của Quảng Yên duy trì đà tăng trưởng cao. Tiêu biểu, tổng giá trị sản xuất đạt 64.833 tỷ đồng, tăng 23,8% so với năm trước; hoàn thành mục tiêu thu NSNN tỉnh giao trước 40 ngày với tổng số thu hơn 1.374 tỷ đồng, tăng 47,9% so với năm 2023, lớn nhất từ trước đến nay, đứng trong tốp đầu toàn tỉnh. Tổng vốn đầu tư phát triển ước thực hiện 24.000 tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm trước.
Để tiếp tục tạo đột phá về hạ tầng giao thông, thị xã lập Đề án phát triển hạ tầng giao thông trọng điểm trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo Đề án có 118 các công trình hạ tầng giao thông đường bộ đề xuất đầu tư đến hết năm 2030, trong đó giai đoạn 2024-2025 có 42 công trình, giai đoạn 2026-2030 có 76 công trình (các dự án giao thông đường bộ và các dự án cảng, bến, luồng lạch); tổng nhu cầu vốn đầu tư là hơn 11.000 tỷ đồng. Trước mắt giai đoạn 2024-2025, Quảng Yên sẽ huy động hơn 1.800 tỷ đồng đầu tư nhiều công trình giao thông trọng điểm, công trình đô thị, y tế, giáo dục.
Để tăng sức hút đầu tư vào các KCN, tỉnh đang đầu tư các dự án giao thông trọng điểm: Nút giao Hạ Long Xanh, nút giao Đầm Nhà Mạc, đường ven sông kết nối cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đến TX Đông Triều, đường dẫn cầu Bến Rừng. Những công trình giao thông trọng điểm trên không chỉ kết nối giao thông đồng bộ giữa các KCN, mở rộng không gian phát triển đô thị, giao thương kinh tế – xã hội giữa Quảng Yên với các vùng, miền khác, mà còn tạo cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho nhân dân trong vùng phát huy nội lực, phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống; đẩy mạnh kêu gọi đầu tư phát triển kinh tế, kiên định mục tiêu phát triển gắn với giữ gìn cảnh quan môi trường và bảo tồn các giá trị văn hóa; tiếp tục nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, nhất là thu hút vốn đầu tư FDI, tăng nhanh tỷ lệ lấp đầy các KCN.
Chủ tịch UBND TX Quảng Yên Trần Đức Thắng cho biết: Giai đoạn tới thị xã tiếp tục huy động mọi nguồn lực, đa dạng hình thức đầu tư; đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể theo các quy hoạch, kế hoạch được duyệt. Trọng tâm là hoàn thiện hạ tầng KKT ven biển Quảng Yên, hạ tầng các KCN: Sông Khoai, Nam Tiền Phong, Bắc Tiền Phong, Bạch Đằng để thu hút nhiều nhà đầu tư; nâng cấp hạ tầng đô thị theo hướng phải đạt tiêu chuẩn về chất lượng hạ tầng kinh tế – xã hội, hạ tầng kỹ thuật đạt đô thị loại I, phấn đấu hoàn thành mục tiêu nâng cấp đô thị trong năm 2025, trước năm 2030 trở thành đô thị loại I; nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn mới đạt tiêu chí đô thị.
Thị xã tập trung phát triển bền vững kinh tế biển, trọng tâm là cảng biển, dịch vụ cảng biển, logistics, KKT ven biển, KCN ven biển, đô thị biển, du lịch biển gắn chặt với các mục tiêu xây dựng Quảng Ninh cùng với Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế biển. Đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai, phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai, tạo động lực phát triển. Trong đó đặc biệt lưu ý giữ nguyên hiện trạng các quỹ đất phục vụ cho phát triển các KCN theo quy hoạch; quản lý chặt chẽ các quỹ đất trước đây là đất nuôi trồng thủy sản, đất nông nghiệp.
Đồng thời phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và là đích đến của sự phát triển bền vững. Chăm lo cho giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng, xây dựng Quảng Yên trở thành địa bàn hấp dẫn quy tụ nhân tài, nhân lực chất lượng cao đến cống hiến, chứ không đơn thuần là tìm kiếm môi trường mưu sinh, lập nghiệp.
Cùng với đó, thị xã cụ thể hoá quan điểm, định hướng, nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người theo tinh thần Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Tỉnh ủy “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”.