Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong phát triển kinh tế – xã hội, huyện Cô Tô đã triển khai nhiều chương trình hành động, kế hoạch trọng tâm, hiệu quả để thực hiện nhiệm vụ này. Từ đó, đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, diện mạo huyện đảo tiền tiêu ngày càng khởi sắc.
Để phát huy hiệu quả chương trình xây dựng NTM, huyện Cô Tô đã kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Huyện cũng xây dựng quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho các phòng ban, đơn vị phụ trách từng tiêu chí, chỉ tiêu để chỉ đạo, hướng dẫn các xã thực hiện; tập trung phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập người dân nông thôn; đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm chủ quyền vùng biển quốc gia…
Huyện cũng tập trung nhiều nguồn lực đầu tư cho NTM như: Làm đường, làm vỉa hè, rãnh thoát nước, trồng cây xanh, cây bóng mát, sửa chữa, nâng cấp nhà văn hóa thôn, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng… Điển hình, tháng 2/2024, huyện Cô Tô đã thực hiện Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường giao thông khu 2, thị trấn Cô Tô với tổng mức đầu tư trên 7,2 tỷ đồng. Đến nay, tuyến đường đã hoàn thành 90%. Hiện nhà thầu đang tích cực thi công các hạng mục cuối cùng để sẵn sàng đưa vào sử dụng trong tháng 9/2024, góp phần tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân và hoàn thiện quy hoạch chung xây dựng huyện Cô Tô.
Cũng trong tháng 2/2024, huyện Cô Tô đã thực hiện đầu tư xây dựng tuyến kè bảo vệ khu dân thôn 2, xã Thanh Lân với chiều dài 272m, tổng mức đầu tư trên 12 tỷ đồng. Tuyến kè bao gồm các hạng mục: Kè trọng lực, đường giao thông, vỉa hè, rãnh thoát nước dọc, cống thoát nước ngang đường, cây xanh, hệ thống điện chiếu sáng… Dự kiến, tuyến kè sẽ được hoàn thiện trong tháng 9/2024. Bà Nguyễn Thị Yêu, thôn 2, xã Thanh Lân, cho biết: Chúng tôi rất vui mừng khi tuyến kè biển này được khởi công, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân. Tuyến kè thuộc khu trung tâm của đảo, nơi đông du khách qua lại. Khi được hoàn thành sẽ giúp hoàn thiện hệ thống giao thông huyện đảo, bảo vệ người dân, du khách và góp phần thúc đẩy xây dựng NTM địa phương gắn với phát triển du lịch, ổn định đời sống người dân.
Trong thực hiện các nhiệm vụ xây dựng NTM, huyện Cô Tô cũng tích cực vận động các HTX, cơ sở, chủ thể tham gia chương trình OCOP, đồng thời hướng dẫn các cơ sở hoàn thiện hồ sơ đăng ký tham gia dự thi đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đến nay, toàn huyện đã có 9 cơ sở, HTX tham gia chương trình với tổng số 67 sản phẩm, trong đó có 4 sản phẩm 4 sao; 25 sản phẩm 3 sao.
Để chương trình NTM phát triển toàn diện, bao trùm, các nhiệm vụ khác như công tác an sinh xã hội, phát triển kinh tế, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, bảo vệ môi trường… cũng được huyện Cô Tô đặc biệt quan tâm. Đến nay, 100% các đường trục xã, trục thôn, liên thôn, ngõ xóm trên địa bàn huyện đã được bê tông hóa và nâng cấp mở rộng; cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng du lịch, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, tập trung vào các sản phẩm thế mạnh của huyện; nhiều mô hình sản xuất mới, giá trị cao được hình thành, phát triển; năm 2023, thu nhập bình quân toàn huyện Cô Tô đạt 123,7 triệu đồng/người/năm; từ năm 2019, toàn huyện Cô Tô không còn hộ nghèo; đến hết năm 2023, số hộ cận nghèo (theo tiêu chí của tỉnh) là 13 hộ, chiếm 0,67% và đến hết tháng 6/2024, huyện giảm 7 hộ cận nghèo, bằng 100% kế hoạch, chiếm tỷ lệ 0,31%. Tính đến thời điểm hiện tại, huyện Cô Tô đã có 7/9 thôn đạt chuẩn NTM; 2/2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; huyện cũng đang đề nghị công nhận xã Đồng Tiến đạt NTM kiểu mẫu.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Hiện huyện đang tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai toàn diện các mục tiêu phù hợp với tình hình, điều kiện của địa phương để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, chung tay xây dựng và phát triển Cô Tô trở thành huyện đảo NTM kiểu mẫu, nhân dân khá giả, trung tâm du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao…