Khi Kpop có sức lan tỏa toàn cầu, những phiên bản “ăn theo” dễ tiếp cận khán giả đại chúng, trong đó không ít ca sĩ Việt đã vướng ồn ào, tổn thất danh tiếng vì nghi vấn “đạo nhái” ngôi sao Hàn Quốc.
Vô tình hay cố ý đạo nhái?
Những ngày qua, nghi vấn đạo nhái Jungkook, khiến Hùng Huỳnh lao đao, phải ẩn MV mới công bố được vài ngày. Nam ca sĩ còn phải chịu sự chỉ trích, chế giễu từ cộng đồng mạng. Những tranh cãi tương tự cũng xảy ra với Trang Pháp, nhóm Mopius (bước ra từ Anh trai say hi) hay nhóm LUNAS (từ Chị đẹp đạp gió rẽ sóng mùa 1).
Những MV được nhận xét “na ná” thần tượng Hàn Quốc, những giai điệu liên tưởng đến một bản hit Kpop, những bộ trang phục giống phong cách các ngôi sao xứ Hàn… trở thành từ khóa gắn với một bộ phận ca sĩ Việt nhiều năm qua.
Năm 2022, 2 nữ ca sĩ MiiNa và Bảo Uyên bị tố sao chép hình ảnh Blackpink. Sau khi bị khán giả chỉ trích, lên án, công ty của 2 ca sĩ trẻ phải lên tiếng xin lỗi, thông báo sa thải giám đốc sáng tạo. Tuy nhiên, các dự án của những ca sĩ này vẫn bị tẩy chay, bị đặt biệt danh “bản nhái”.
Không chỉ những gương mặt tân binh, không ít ngôi sao có tên tuổi ở showbiz Việt cũng từng bị phản ứng vì “học hỏi” Kpop quá đà, như Erik, Đức Phúc, Chi Pu, Min, Thiều Bảo Trâm… Dàn nhóm nhạc ra đời ở Việt Nam như Uni5, LIME, LipB, Zero9, khiến khán giả Việt ngao ngán vì “copy – paste” phong cách Kpop nhưng làm chưa tới.
Ngay cả Sơn Tùng M-TP cũng từng khởi đầu sự nghiệp với loạt cáo buộc sao chép ý tưởng, đạo nhái. Giai đoạn 2010 – 2015, Sơn Tùng có ít nhất 6 sản phẩm bị chỉ ra điểm tương đồng với nghệ sĩ Hàn, trong đó có thể kể đến “Em của ngày hôm qua” giống “Every night” (EXID), “Nắng ấm xa dần” na ná “As one”, “Chắc ai đó sẽ về” được cho là đạo “Because I Miss You” của Jung Yonghwa… từng gây tranh cãi trong thời gian dài.
Đi tìm bản sắc riêng
Kpop cũng là thể loại pha trộn nhiều chất liệu âm nhạc từ Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia khác, từ đó phát triển thành các đặc trưng riêng. Kết hợp với hệ thống quản lý chặt chẽ và các chính sách thúc đẩy công nghiệp văn hóa, Kpop trở thành thế lực xâm chiếm bản đồ âm nhạc thế giới, gắn bó với đời sống tinh thần của hàng triệu khán giả.
Theo Korea Times, tình trạng nhiều ca sĩ “vay mượn”, đạo nhái ý tưởng của Kpop đã không còn xa lạ. Ông Lee Gyu-tag, giáo sư nghệ thuật và khoa học tại Đại học George Mason Hàn Quốc cho rằng, các hãng thu âm, công ty quản lý ở Hàn Quốc tin rằng, sự xuất hiện của những phiên bản đạo nhái cũng chứng minh sự vượt trội của các ca sĩ Kpop.
“Các ca sĩ nhái theo thường không thể vượt qua hoặc thay thế các nghệ sĩ gốc. Nhưng việc họ đạo nhái phần nào cho thấy Kpop là hình mẫu tham chiếu của họ, khiến khán giả cảm thấy Kpop là nội dung chất lượng, độc đáo” – Lee Gyu-tag nhấn mạnh.
Giới nhạc Việt đã nhiều lần chứng kiến các ca sĩ bị chỉ trích thiếu sáng tạo, “ăn cắp” chất xám, coi thường khán giả khi cho ra những sản phẩm chắp vá, đạo nhái méo mó. Tuy nhiên, vì không bị xử phạt, không bị tẩy chay đến mức mất trắng sự nghiệp, việc đạo nhái vẫn là chiêu trò dễ làm, dễ nổi tiếng ở showbiz Việt.
Việc học hỏi và tham khảo từ những mô hình thành công không sai, nhưng bài toán đặt ra là phải giữ được bản sắc đồng thời định hình màu sắc riêng.
Với một ca sĩ như Hùng Huỳnh, được đào tạo từ Hàn Quốc, chịu ảnh hưởng sâu sắc của Kpop, tham gia show tuyển chọn thần tượng quy mô, khi trở về Việt Nam, anh phải tìm được hướng đi riêng, tránh trở thành “bản đúp” của các ngôi sao Hàn Quốc. Hay chính Trang Pháp được truyền cảm hứng bởi các thần tượng Kpop cũng cần tỉnh táo trong quá trình tự tạo ra đứa con tinh thần riêng. Nếu không có “chất Việt”, việc ca sĩ không thể chinh phục khán giả Việt là điều dễ hiểu.