Các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới đưa hàng giá rẻ rầm rộ tràn vào thị trường Việt Nam, không ít doanh nghiệp (DN) ngành sản xuất tiêu dùng trong nước lo lắng sẽ bị “tiêu diệt”, chứ không đơn thuần chỉ là “sàng lọc”.
Rẻ ngoài sức tưởng tượng
Sau khi cài ứng dụng mua hàng qua sàn thương mại điện tử (TMĐT) Temu đến từ Trung Quốc, chị Hoàng Hoa (ngụ quận 6, TPHCM) đã tậu được chiếc túi thời trang giá chưa tới 150.000 đồng, cặp kính mát chống tia UV giá 48.000 đồng, hơn chục chiếc nhẫn thời thượng giá chưa tới 10.000 đồng/chiếc… “Các sản phẩm đều giảm giá từ 60 – 90%. Mua sắm thả ga nhưng tổng số tiền chưa đến 300.000 đồng, 4 ngày sau nhận hàng tại nhà hoàn toàn miễn phí. Chưa biết chất lượng ra sao nhưng chưa bao giờ tôi săn được hàng có giá lại rẻ đến như vậy” – chị Hoa nói.
So sánh một đôi giày cùng thương hiệu, anh Hồng Minh (28 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) nói rằng, đôi giày tại cửa hàng gần nhà sau khi giảm giá vẫn còn tới 500.000 đồng, nhưng trên một sàn TMĐT nước ngoài chỉ 155.000 đồng. “Cùng sản phẩm, cùng thương hiệu nhưng giá chêch lệch như vậy khiến tôi không cưỡng lại nổi. Mua nhiều còn được tặng thêm mã giảm giá, càng mua càng rẻ. Đặc biệt là sản phẩm điện tử giá rẻ hơn ở các cửa hàng rất nhiều” – anh Minh nói.
Bà Nguyễn Thị Hà, chủ cửa hàng thời trang Hà Nguyễn (quận 1, TPHCM) bộc bạch, để bán được hàng, nơi này thường chạy các chương trình khuyến mãi vào những dịp lễ với mức giảm giá từ 30 – 50%. Hàng hóa liên tục cập nhật xu hướng mới để khách hàng lựa chọn. “Trước đây khách đến đông nhưng hiện đã giảm khá nhiều. Kinh tế khó khăn, khách hàng có sự so sánh về giá, thậm chí chấp nhận cả hàng “no name” (không thương hiệu). Đặc biệt từ khi nhiều mặt hàng ở nước ngoài bán trực tiếp đến tay người dùng Việt thông qua các sàn TMĐT thì những DN, cơ sở kinh doanh nhỏ như chúng tôi càng thêm chật vật. Bởi cùng một phân khúc nhưng sản phẩm nhập khẩu giá rẻ hơn, mẫu mã đa dạng hơn nên hút khách” – bà Hà nói.
Chị Hồ Hạnh Nhi (32 tuổi, ngụ quận 4, TPHCM) nói rằng, trước đây hay nhập hàng từ các nước gần Việt Nam để bán kiếm lời, hoặc lên mạng săn hàng giá rẻ của nước ngoài bán lại ăn chênh lệch… Trung bình chị Nhi lời khoảng 15 – 20 triệu đồng/tháng từ công việc này. “Nhưng hiện nay hàng từ nước ngoài đưa trực tiếp đến người tiêu dùng Việt Nam mà không qua khâu trung gian, giá lại rất rẻ nên tôi cũng hết đất sống” – bà mẹ hai con than thở.
Thiếu công bằng
Ông Nguyễn Ngọc Luận, Tổng giám đốc Công ty Meet More (TPHCM) có sản phẩm cà phê nông sản đang được bán qua sàn TMĐT nói rằng, có nhiều khoản chi phí góp phần tăng giá thành sản phẩm. Cụ thể, DN đóng cho Tiktok, Shopee 13% tiền phí sàn; phí ship từ 5 – 10%; các chương trình khuyến mãi bắt buộc phải có từ 15 – 20%; thuế theo quy định của Nhà nước khi bán trên sàn là 20%. Tổng chi phí các khoản phí, thuế DN phải chịu khoảng 60 – 65%. “Tất cả các chi phí này ảnh hưởng đến giá sản phẩm. Hiện chúng ta đang đẩy mạnh TMĐT là điều rất tốt, nhưng vô tình lại làm DN Việt khó khăn khi phải chịu nhiều loại thuế phí. Trong khi hàng ngoại nhập có giá trị thấp tràn vào Việt Nam lại được miễn thuế, giao hàng miễn phí… DN nội địa đang gặp bất lợi khi cạnh tranh với hàng ngoại nhập trên chính sân nhà của mình” – ông Luận nói.
Theo Giám đốc Công ty May mặc V.N.F (quận Bình Tân, TPHCM), bà Nguyễn Thị Châu, các sàn TMĐT Trung Quốc đang đẩy DN Việt vào thế khó. Bởi họ bán hàng trực tiếp từ nhà máy tới tay khách hàng, cắt đến hơn 50% khâu trung gian, tức giá bán ra sẽ rẻ hơn nhiều so với giá ở cửa hàng. “Đây là cuộc chơi chưa công bằng, sòng phẳng với cả hàng nhập khẩu từ các nước khác lẫn hàng nội địa Việt Nam. Thị trường TMĐT Việt Nam sẽ càng khốc liệt hơn. Hàng hóa ngoài giá cả còn có chất lượng, an toàn sức khỏe người dùng. Không thể đòi hỏi giá cực rẻ nhưng chất lượng “điểm 10” – bà Châu nói.
Nguy cơ triệt tiêu nhà sản xuất Việt
Với vai trò Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp kiêm Chủ nhiệm CLB OCOP huyện Hóc Môn, TPHCM, ông Nguyễn Ngọc Luận cho biết, để tiếp tục duy trì sản xuất, bán được hàng, DN buộc phải tham gia cuộc chơi. Giải pháp của họ là phải bán hàng đa kênh, từ truyền thống như siêu thị, cửa hàng bán lẻ đến TMĐT xuyên biên giới. Hai ngày cuối tuần, Hội quán OCOP đều tổ chức chợ phiên để tiếp thị sản phẩm tận tay người tiêu dùng. Đồng thời, tập huấn để họ xây dựng thương hiệu, tham gia các triển lãm, hội chợ trong và ngoài nước. “Tuy nhiên, Nhà nước cần có chiến lược dài hơi nhằm bảo vệ sản phẩm nội địa. Cụ thể, phân loại giữa hàng nội địa và ngoại nhập trên sàn TMĐT, đánh thuế tiêu thụ đặc biệt một số mặt hàng để tăng cạnh tranh cho DN sản xuất trong nước” – ông Luận đề xuất.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su Nhựa TPHCM, nói rằng, việc các sàn TMĐT giá rẻ của Trung Quốc đổ bộ Việt Nam, áp dụng khuyến mãi 60% – 90 là nỗi lo lớn đối với nhà sản xuất trong nước, đặc biệt là các ngành giày, dép và hàng tiêu dùng. “Đây không chỉ là cuộc sàng lọc mà là nguy cơ triệt tiêu nhà sản xuất nhỏ, siêu nhỏ của Việt Nam. Cùng một nguyên liệu, cùng chủng loại sản phẩm, các DN Việt không thể sản xuất được sản phẩm có giá thành rẻ, chi phí giao nhận thấp như hàng hóa Trung Quốc trên sàn TMĐT” – ông Quốc Anh nói.
Theo ông Quốc Anh, những nền tảng như Taobao, Temu và Shein bán hàng vào Việt Nam không phải nộp thuế và hưởng lợi từ hệ thống logistics do Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ. Trong khi đó, các DN nhỏ và vừa của Việt Nam đối mặt với nhiều rào cản, bao gồm thuế nhập khẩu và chi phí sản xuất cao, khiến họ không thể cạnh tranh một cách hiệu quả. Nguyên liệu sản xuất như cao su, hóa chất, nhựa… nhập về cảng đã phải chịu thuế VAT, muốn hoàn thì rất khó.