Với ưu điểm giá rẻ, giao hàng nhanh, người tiêu dùng ưa chuộng đặt hàng giá trị nhỏ trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) từ nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên, điều này tiềm ẩn nguy cơ thất thu thuế, cạnh tranh không bình đẳng với hàng hóa sản xuất trong nước.
Đua nhau đặt hàng online giá rẻ
Sự phát triển của thương mại điện tử, nhiều người đặt mua hàng hoá trực tuyến (online) trên sàn TMĐT vận chuyển từ nước ngoài về. Anh Tiến Xuân (Hà Nội) cho biết, 3 năm gần đây khi cần mua hàng gia dụng như ốp điện thoại, quạt tích điện thường chọn mua trên sàn TMĐT.
“Đa số hàng hóa bán tại cửa hàng đều ghi xuất xứ Trung Quốc nên tôi đặt hàng trên sàn TMĐT, chất lượng tương tự, giá rẻ hơn nhiều. Ví dụ, miếng dán cường lực, ốp điện thoại ở cửa hàng 50 – 100 nghìn đồng. Giá các sản phẩm này trên sàn chỉ bằng 1/3 giúp người mua hàng giá rẻ”, anh Xuân chia sẻ.
Chị Nguyễn Hương (Hoàng Mai, Hà Nội) thường xuyên đặt hàng trên trang TMĐT với đủ loại như quần áo, ba lô, giày dép. Mỗi sản phẩm của chị Hương đặt dao động 100 – 200 nghìn đồng. Ngoài mua hàng sử dụng, chị đặt hàng bán cho bạn bè, người thân. Mỗi tháng, trung bình chị Hương đặt 150-200 sản phẩm gia dụng. Đa số mặt hàng này được giao tận nhà chị Hương, giá trị đều dưới 1 triệu đồng/sản phẩm.
“Một đôi dép xăng đan tôi đặt 150-170 nghìn đồng, bộ quần áo mặc nhà 150-200 nghìn đồng. Rất nhiều đồng nghiệp ủng hộ mua hàng. Giá hàng thấp hơn nhiều so với đặt mua tại cửa hàng hoặc thương hiệu tương tự trong nước”, chị Hương chia sẻ.
Cùng với xu hướng của người tiêu dùng, số lượng mặt hàng giá trị dưới 1 triệu đồng/sản phẩm tăng mạnh thời gian qua. Ước tính của các đơn vị vận chuyển, mỗi ngày có khoảng 4-5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các sàn Shopee, Lazada, Tiki, TikTok.
Công bằng với hàng sản xuất trong nước
Theo ông Đặng Ngọc Minh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, quy định miễn thuế giá trị gia tăng với đơn hàng nhỏ lẻ liên quan đến ngành hải quan nhằm thực hiện theo Công ước quốc tế về hài hòa và đơn giản thủ tục hải quan (Công ước Kyoto) Việt Nam ký kết. Thời gian qua, một số quốc gia có thay đổi về quy định pháp luật liên quan áp thuế với mặt hàng này.
“Tất cả sàn thương mại điện tử gửi thông tin về cho cơ quan thuế định kỳ. Căn cứ các thông tin này, cùng với công tác thanh tra, kiểm tra và chủ động kê khai của người nộp thuế, cơ quan thuế tập hợp được cơ sở dữ liệu về người nộp thuế kinh doanh qua sàn. Sau đó, Tổng cục Thuế đối chiếu, tự động phân cho các chi cục thuế tại 63 tỉnh, thành quản lý. Việc Việt Nam có thay đổi chính sách thuế với hàng hóa nhập khẩu giá trị nhỏ hay không sẽ do Chính phủ và Quốc hội quy định”, ông Minh cho biết.
Theo sách trắng thương mại điện tử năm 2023, số lượng người tiêu dùng Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến tăng lên đến 61 triệu người, tăng 7,02% so với cùng kỳ. Giá trị mua sắm trực tuyến của mỗi người khoảng 336 USD/năm.
Bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam đánh giá, hàng hóa có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống không chịu thuế giá trị gia tăng và thuế nhập khẩu đã tạo điều kiện cho hàng nhập khẩu giá trị nhỏ tràn ngập tại thị trường Việt Nam. Bà Cúc cảnh báo, có tình trạng lợi dụng chính sách miễn thuế, người bán hàng xé nhỏ giá trị đơn hàng còn vài ba trăm nghìn để tránh thuế, tiềm ẩn thất thu thuế.
“Hàng nhập khẩu có giá trị dưới 1 triệu đồng được miễn thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, giá bán đến tay người tiêu dùng sẽ rẻ hơn hàng sản xuất trong nước. Thực tế này tiềm ẩn thất thu ngân sách và gây ra bất bình đẳng với hàng hóa sản xuất trong nước và gây thiệt hại cho người mua hàng. Do đó, tôi đề nghị cần phải bãi bỏ chính sách miễn thuế đối với hàng nhập khẩu có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống, nhằm đảm bảo công bằng với hàng hóa sản xuất trong nước, ngăn chặn tình trạng thất thu thuế”, bà Cúc đề xuất.
Cùng quan điểm, chuyên gia thuế Nguyễn Văn Được cho rằng, hàng sản xuất trong nước phải nộp thuế giá trị gia tăng, hàng nhập khẩu qua chuyển phát nhanh lại được miễn là không công bằng. Ông Được đề xuất nên sớm bỏ chính sách miễn thuế với hàng nhập khẩu giá trị dưới 1 triệu đồng để cạnh tranh bình đẳng với hàng hóa trong nước.