Hàng không Việt Nam đang đối mặt với một thách thức lớn: thiếu hụt máy bay do nhà sản xuất triệu hồi động cơ và các hãng bay tái cơ cấu.
Theo nhận định của giới chuyên gia, tình trạng thiếu hụt máy bay không chỉ ảnh hưởng đến khả năng phục vụ của các hãng hàng không mà còn làm giảm khả năng cạnh tranh của ngành hàng không. Để ứng phó với tình trạng này, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn giao Cục Hàng không Việt Nam nghiên cứu phương án hỗ trợ các hãng tăng số lượng máy bay nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Hàng không đối mặt nhiều khó khăn
Theo ông Đỗ Hồng Cẩm, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, thời gian qua, thị trường hàng không Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn. Ngoài việc phải ứng phó với những tác động tiêu cực sau Covid-19, ngành hàng không còn phải đương đầu với các thách thức từ sụt giảm đội tàu bay. Hiện tại, số lượng máy bay của các hãng hàng không Việt Nam đã giảm khoảng 40-45 chiếc so với năm 2023 do việc triệu hồi động cơ của nhà sản xuất và việc tái cơ cấu của Bamboo Airways, Pacific Airlines.
Trong bối cảnh thiếu hụt máy bay toàn cầu, việc tìm kiếm và thuê tàu bay của các hãng bay trong nước cũng gặp nhiều trở ngại do giá thuê tăng cao. Bên cạnh đó, giá nhiên liệu cũng đang ở mức cao, và sự chênh lệch tỷ giá ngoại tệ cũng góp phần làm tăng chi phí hoạt động. Ngoài ra, do thiếu hụt đội tàu bay, các hãng hàng không buộc phải điều chỉnh giảm cung ứng trên các đường bay nội địa. Điều này dẫn đến thị trường nội địa giảm so với cùng kỳ năm 2019.
Những yếu tố này đã ảnh hưởng đến nguồn cung và là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự biến động của giá vé máy bay trên các đường bay nội địa trong một số giai đoạn cao điểm (ngày lễ, Tết). Việc giảm cung ứng không chỉ ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của ngành hàng không mà còn gây khó khăn cho hành khách.
Chật vật tìm giải pháp
Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đỗ Hồng Cẩm cho biết, trong bối cảnh thiếu hụt máy bay, đơn vị đã bố trí các nguồn lực để đảm bảo phương án khai thác. Đặc biệt, Cục Hàng không đã tối ưu hóa thời gian khai thác tàu bay trong ngày, tăng cường chuyến bay ban đêm để giúp các hãng duy trì và ổn định tối đa tỷ lệ, tần suất bay. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng đã tăng cường theo dõi và kiểm tra hoạt động bán vé, kê khai, niêm yết giá vé, và giám sát tình hình cung ứng và đặt vé, nhằm đảm bảo sự minh bạch và ổn định trên thị trường hàng không.
Theo đại diện đại Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), thời gian qua, hãng đã triển khai hàng loạt giải pháp để đảm bảo khả năng cung ứng. Đối diện với khó khăn, mặc dù đội tàu bay giảm trung bình trên 10% so 2023 nhưng tổng số chuyến bay đạt gần 70 nghìn chuyến, tăng 8,6% so cùng kỳ. Giờ bay khai thác đạt 165,8 nghìn giờ, tăng 11,3% so cùng kỳ. Số khách vận chuyển trên toàn mạng đạt 11,1 triệu khách, tăng gần 10% so cùng kỳ và chỉ số đúng giờ OTP đạt mức cao 86,4%.
Với hãng hàng không Vietjet, việc nhà sản xuất động cơ Pratt&Whitney (PW) triệu hồi động cơ PW1100, toàn bộ 50 động cơ lắp trên 25 tàu bay A321Neo của hãng sẽ phải tháo để sửa chữa tác động trực tiếp đến lực lượng vận tải, quy mô đội tàu bay và tải cung ứng trên các đường bay nội địa, quốc tế.
Tính đến tháng 7/2024, tổng số tàu bay đã dừng không khai thác của hãng là 10 tàu và thêm 1 tàu sẽ dừng từ tháng 10. Để giải quyết tình trạng trên, 6 tháng cuối năm 2024, Vietjet có kế hoạch nhận 10 tàu bay dự kiến gồm 8 tàu A321Neo và 2 tàu E190.
Năm 2025, Vietjet dự kiến tiếp tục nhận tàu A321Neo, tàu A330-300, tàu E190 và tàu Boeing 737 Max. Tuy nhiên, lịch nhận tàu còn bị tác động bởi các yếu tố từ dây chuyền sản xuất, thiếu phụ tùng, vật tư, nhân công dẫn đến ảnh hưởng kế hoạch tiếp nhận tàu bay mới của Vietjet.
Nhiều tín hiệu tích cực
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn đánh giá ngành hàng không đã có nhiều tín hiệu khởi sắc dù phải đối mặt với khó khăn từ thiếu tàu bay, tái cơ cấu, sắp xếp đường bay, giá nhiên liệu tăng cao, chênh lệch tỷ giá ngoại tệ… Điều này là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước đã đưa ra những giải pháp linh hoạt, phù hợp. Một trong những yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng của hoạt động khai thác vận chuyển hàng không quốc tế là từ các chính sách, chương trình ưu đãi về du lịch và thị thực lưu trú của Việt Nam với khách du lịch quốc tế.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý chuyên ngành hàng không cũng đang tiếp tục xúc tiến triển khai đàm phán sửa đổi, bổ sung, ký kết các hiệp định hàng không với nhà chức trách các quốc gia trên thế giới
Trong 6 tháng đầu năm, sản lượng vận đạt xấp xỉ 37,5 triệu khách, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2023 và bằng 96% cùng kỳ năm 2019 – thời điểm hoạt động hàng không đang trên đà tăng trưởng tốt. Điểm sáng là hoạt động khai thác thị trường quốc tế với sản lượng đạt 20,2 triệu khách, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2023 và bằng với cùng kỳ năm 2019.
Thứ trưởng Lê Anh Tuấn đề nghị Cục Hàng không Việt Nam chủ động giải quyết các khó khăn cũng như các kiến nghị, đề xuất các các hãng hàng không, báo cáo Bộ Giao thông vận tải.
Với việc thiếu tàu bay do nhà sản xuất triệu hồi động cơ, Thứ trưởng đề nghị các hãng hàng không báo cáo rõ các phương án cần được Nhà nước hỗ trợ. Đồng thời, đề nghị các đơn vị liên quan nghiên cứu, tìm giải pháp để Bộ Giao thông vận tải tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh hỗ trợ các chi phí đầu vào, các doanh nghiệp chủ động tìm phương án, đề xuất chính sách, cơ chế để Bộ Giao thông vận tải xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để có các phương án phù hợp.
Liên quan việc kiểm soát tải trọng tại một số cảng hàng không, Cục Hàng không Việt Nam và Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) rà soát lại toàn bộ đường cất hạ cánh, báo cáo công tác triển khai đầu tư, nguồn vốn bảo trì và đưa ra các khuyến cáo phù hợp, kịp thời cho các hãng hàng không.