“Ăn theo” nhu cầu mua sắm tết của người dân tăng cao, nhiều mặt hàng “nhái” các thương hiệu lớn, nổi tiếng được rao bán tràn lan trên các trang mạng xã hội.
Sản phẩm giống đến 99%, khó phân biệt
Lượn một vòng các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội, không khó để bắt gặp những cửa hàng, shop mỹ phẩm, quần áo,…hay thậm chí là đồ gia dụng gắn mác các thương hiệu nổi tiếng để đánh lừa người tiêu dùng.
Thường xuyên mua hàng online, đặc biệt là mỹ phẩm, chị Thanh Ngọc (Hà Nội) vô tình lướt trúng lọ nước hoa của một thương hiệu chị yêu thích đang bán tại một shop giới thiệu là chuyên mỹ phẩm cao cấp. Điều đặc biệt, giá của chai nước hoa tại shop này quảng cáo bán chỉ hơn 1 triệu đồng cho 125ml với lời giới thiệu giảm 50% giá trị mặt hàng, trong khi giá của hàng là trên 9 triệu đồng.
“Tôi thấy sản phẩm này được giảm giá, mặc dù hơi nghi ngờ, nhưng tôi vẫn muốn đặt thử xem sao, có khi may mắn thì lại là nước hoa của hãng thật” – chị Ngọc nói.
Khi nhận hàng, chị Ngọc kiểm tra bao bì, mẫu mã thì giống đến 99%, mùi cũng giống như mùi chị đã sử dụng qua nên tin tưởng thanh toán. Tuy nhiên, khi về nhà kiểm tra kỹ hơn, chị Loan phát hiện, phía đáy lọ nước hoa có nhiều vết xước. Phải nhìn thật kỹ thì mới có thể phát hiện ra, và mùi lọ nước hoa khi xịt ra không thể giữ mùi lâu và thoang thoảng có mùi cồn.
Nghi ngờ hàng giả, chị Ngọc liền nhắn tin cho shop nhưng không được phản hồi.
Chị Ngọc không phải khách hàng duy nhất mua phải hàng giả trên mạng xã hội, rất nhiều trường hợp đã dính “bẫy” từ những website, fanpage giả mạo. Các công ty cũng đã khuyến cáo, song cứ “dập” trang web này, web khác lại mọc lên.
Theo thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số- Bộ Công Thương, kinh doanh hàng giả trên môi trường thương mại điện tử tập trung vào 3 nhóm hàng hóa chính, gồm: đồ công nghệ điện tử; quần áo, giày dép, mỹ phẩm; và đồ gia dụng. Hàng giả liên quan đến vi phạm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, giả mạo tem nhãn, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và bản quyền tác giả cũng khá phổ biến, nhất là đối với các mặt hàng giày dép, thực phẩm chức năng, điện thoại thông minh…
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số dẫn chứng từ thực tế, một đồng hồ Rolex có giá trị hàng trăm triệu đồng, nhưng trên các mạng xã hội đang rao bán đồng hồ giả với giá chỉ vài triệu đồng.
Theo bà Huyền, phương thức thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi. Bởi vì trên môi trường mạng thì các đối tượng thường sẽ phân tán, phân nhỏ hàng hóa ra hoặc nhiều khi có hàng hóa online, nhưng lại không có hàng hóa thực tế. Bên cạnh đó thì nhận thức của người dân cũng còn hạn chế.
Ví dụ như biết hàng giả vẫn mua vì giá rẻ, đây là một trong những thách thức trong công tác quản lý. Cùng với đó là nhận thức của doanh nghiệp chưa đầy đủ, vẫn còn những nhận thức về việc kinh doanh chộp giật.
Hệ luỵ khi mua phải hàng giả, hàng nhái
Ông Hồ Tùng Bách, Phó Trưởng phòng Bảo vệ người tiêu dùng- Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương nhận định, hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng ảnh hưởng đến an toàn của người tiêu dùng, các hệ lụy liên quan đến môi trường cạnh tranh, lòng tin của người tiêu dùng và sự phát triển bền vững của nền kinh tế, không xác định được các chủ thể chịu trách nhiệm pháp lý trong một số giao dịch thương mại điện tử.
Người tiêu dùng khi chuẩn bị mua bán hàng hóa gì, trước tiên nên tham khảo kỹ các thông tin để xác định được xem hàng hóa để có tính năng, công dụng hình dáng ra sao; tiếp đó cần phải lựa chọn những đơn vị bán hàng có uy tín – phụ thuộc vào những kinh nghiệm của người tiêu dùng.
Trong môi trường thương mại điện tử nên mua bán trên website mà có chứng chỉ công nhận của cơ quan quản lý nhà nước.
“Ví dụ như thực hiện Chứng chỉ đăng ký thông báo hoặc đăng ký thành công với Cục Thương mại Điện tử và kinh tế số – đấy là một chứng chỉ để đảm bảo theo website, là hoạt động chính chủ và đã có sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước” – ông Hồ Tùng Bách cho hay.
Theo Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, đặc điểm chung phổ biến của gian lận thương mại là các đối tượng đánh vào tâm lý thích mua hàng rẻ của người tiêu dùng để lập tài khoản ảo bán hàng với nội dung quảng cáo gian dối, thổi phồng chức năng, công dụng, chất lượng, giá bán của hàng hóa.
Vì vậy, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia khuyến cáo người tiêu dùng cần chủ động nâng cao kiến thức, kỹ năng của bản thân để phòng tránh các nguy cơ lừa đảo.
Bên cạnh đó, cần sàng lọc, kiểm tra kỹ thông tin quảng cáo, rao bán về hàng hóa, danh tính người bán hàng, lựa chọn địa chỉ uy tín, hình thức thanh toán minh bạch; cẩn trọng khi tiếp nhận các thông tin chào mời mua hàng giá rẻ hoặc nhận được hoa hồng từ việc mua hàng.
Trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm, người tiêu dùng cần phản ánh tới cơ quan quản lý nhà nước hoặc tới cơ quan công an, đồng thời, chủ động chia sẻ thông tin để người thân, bạn bè biết và phòng tránh.