Những bộ phim truyền hình Hàn Quốc tập trung vào giới trẻ đang dần nhường chỗ cho những tác phẩm về giới trung niên. Thực tế này phản ánh thị hiếu thay đổi và tình trạng xã hội già hóa của đất nước Đông Bắc Á.
Xu hướng già hóa vai chính
Ngày 12/8, đài truyền hình Hàn Quốc ENA phát hành bộ phim truyền hình Your Honor, với sự tham gia của các diễn viên kỳ cựu Son Hyun Joo (59 tuổi) và Kim Myung Min (51 tuổi) vào vai chính. Bộ phim kịch tính tập trung vào tình cha con của một người có con là kẻ giết người và người còn lại là cha của nạn nhân bị giết.
Trước đó 2 ngày, JTBC ra mắt bộ phim truyền hình cuối tuần Romance in the House, có sự góp mặt của nữ diễn viên Kim Ji Soo (51 tuổi) và đồng nghiệp nam Ji Jin Hee (53 tuổi). Hai ngôi sao này lần lượt có 32 và 25 năm kinh nghiệm. Trong phim, họ vào vai cặp vợ chồng đã ly hôn.
Phim truyền hình Perfect Family của đài KBS, bắt đầu phát sóng ngày 14/8, có Kim Byung Chul (50 tuổi) và Yoon Se Ah (46 tuổi) đảm nhận vai chính. Bộ phim xoay quanh một gia đình bị cuốn vào vụ án giết người. Hai diễn viên lớn tuổi vào vai vợ chồng.
Theo The Korea Times, độ tuổi trung bình của 6 diễn viên chính trong 3 bộ phim truyền hình công chiếu vào tháng 8 là 51,6 tuổi. Bối cảnh phim truyền hình Hàn Quốc dường như đang phản ánh xã hội già hóa của quốc gia Đông Bắc Á, với tiếng nói của giới trẻ đang dần phai nhạt và các câu chuyện ngày càng tập trung vào những cá nhân ở độ tuổi 40, 50.
Vào tháng 7, số người từ 65 tuổi trở lên ở Hàn Quốc đã vượt quá 10 triệu người. Theo Cục Thống kê Hàn Quốc, độ tuổi trung bình của người dân tăng lên 45,7 tuổi, cao gấp đôi độ tuổi trung bình năm 1980 là 21 tuổi.
Phim truyền hình Hàn Quốc giống như chính đất nước này, đang già đi. Sự thay đổi về nội dung phim truyền hình phù hợp với sự thay đổi về nhân khẩu học ở xứ củ sâm.
“Khi tuổi tác ngày càng cao, nhận thức về việc bạn ở độ tuổi 50 là ‘già’ đã suy yếu. Xu hướng này ảnh hưởng đến việc sản xuất phim truyền hình, với những diễn viên bắt đầu sự nghiệp từ 20 đến 30 năm trước vẫn tiếp tục đóng vai chính”, Yoon Su Jin, giáo sư văn học Hàn Quốc tại Đại học Quốc gia Chungnam, đánh giá.
Xu hướng này cũng thể hiện rõ trong các bộ phim truyền hình chiếu mạng trong năm 2024. Điểm chung là vai chính thường được giao cho những diễn viên đã thành danh ở độ tuổi 40 và 50, chẳng hạn như Yum Jung Ah và Cho Jin Woong trong No Way Out: The Roullete và Kim Hee Ae và Sul Kyung Gu trong The Whirlwind.
Ngày càng khó tìm được những bộ phim truyền hình lấy giới trẻ làm trung tâm. Những bộ phim truyền hình ăn khách và được thảo luận nhiều nhất nửa đầu năm chủ yếu tập trung vào những xung đột hay mối quan hệ của người lớn tuổi hơn là trải nghiệm của những người trẻ tuổi.
Những bộ phim truyền hình như Queen of Tears (Nữ hoàng nước mắt) – xoay quanh cặp đôi ly hôn nhen nhóm lại tình yêu và Marry My Husband (Cô đi mà lấy chồng tôi) – tập trung vào việc trả thù người chồng không chung thủy là những ví dụ cho xu hướng này.
Mặc dù có miêu tả về tình yêu lãng mạn gà bông, Lovely Runner (Cõng anh mà chạy) chủ yếu xoay quanh các chủ đề gây được tiếng vang với người xem ở độ tuổi 30 và 40, pha trộn trải nghiệm của thanh thiếu niên vào một câu chuyện rộng hơn để nhắm đến khán giả lớn tuổi hơn.
Người trẻ thất thế
Những năm gần đây, phim truyền hình hướng đến giới trẻ chỉ giới hạn ở một số tựa như Twinkling Watermelon (Dưa hấu lấp lánh, 2023), Twenty-Five Twenty-One (Tuổi hai mươi lăm, tuổi hai mươi mốt, 2022) và Our Beloved Summer (Mùa hè yêu dấu của chúng ta, 2021)…
Nhà phê bình văn hóa đại chúng Kim Heon Sik cho biết: “Khi phim truyền hình dành cho thanh thiếu niên ngày càng ít đi, những câu chuyện về người trẻ đã được đưa vào các bộ phim truyền hình nhắm đến đối tượng khán giả ở độ tuổi 30 và 40. Trong khi đó, những người ở độ tuổi thiếu niên và 20 đang dẫn đầu xu hướng trên mạng xã hội và phim truyền hình trực tuyến, nơi họ thích xem những nội dung ngoài chương trình truyền hình truyền thống”.
Dân số ở độ tuổi 20 ngày càng giảm, cùng với những thách thức lâu dài về việc làm, đã làm giảm thêm sự hiện diện của người trẻ tuổi trong các bộ phim chính thống.
Thị trường phim truyền hình đang thu hẹp càng đẩy nhanh những xu hướng này. Các công ty sản xuất và phát sóng tập trung vào việc phục vụ những người ở độ tuổi 30 và 40. Họ đi theo “lựa chọn an toàn” bằng cách tuyển chọn những diễn viên thành danh, những người đã chứng minh được tài năng và khả năng quảng bá thay vì mạo hiểm với người mới.
Kết quả là con đường truyền thống để các diễn viên mới nổi lên thông qua các vai diễn trong phim truyền hình dần khó đi. Giới thần tượng Kpop dấn thân vào diễn xuất cũng có tỷ lệ thành công thấp.
“Việc liên tục tuyển chọn những diễn viên đã hoạt động trong nhiều thập kỷ khiến thế hệ diễn viên mới khó có thể đột phá vào ngành. Để mở rộng cả nhóm diễn viên và lượng người xem, chúng ta cần những bộ phim truyền hình thu hút được nhiều khán giả hơn, thu hẹp khoảng cách giữa các thế hệ”, nhà phê bình Kim nhận định.