Là xã vùng cao biên giới với gần 87% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trong những năm gần đây xã Hải Sơn (TP Móng Cái) được biết đến là điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn.
Lãnh đạo TP Móng Cái tham quan các gian hàng bày bán sản phẩm đặc trưng tại Chợ phiên Pò Hèn. Ảnh: Hữu Việt
Thời gian qua, Hải Sơn đã khai thác hiệu quả những lợi thế của địa phương với các sản phẩm du lịch đặc sắc. Ông Nịnh Văn Sáng, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Du lịch xã Hải Sơn những năm qua luôn nhận được sự quan tâm của thành phố. Xã chỉ đạo xây dựng, tuyên truyền, quảng bá về du lịch, trong đó lấy du lịch tâm linh dẫn dắt du lịch cộng đồng và du lịch trải nghiệm.
Đến với Hải Sơn, du khách có thể từ Khu di tích lịch sử quốc gia Pò Hèn tới Làng bích họa Pò Hèn rực rỡ giữa núi rừng Đông Bắc bởi các bức tranh thiên nhiên đầy màu sắc, những ngôi nhà của đồng bào dân tộc Dao, thác 72 gian kỳ vĩ, núi Panai, Mã Thầu Sơn…; thưởng thức những món ăn vô cùng dân dã, như cá suối, thịt ngan đen, cà sáy (vịt lai ngan), bánh chưng nếp cẩm, thổ cẩm, mật ong rừng, trám muối riềng, măng rừng muối, rượu sim…
Xã Hải Sơn tập trung xây dựng mô hình du lịch cộng đồng. Ảnh: Thu Hằng (CTV)
Du lịch cộng đồng xã Hải Sơn được tỉnh phê duyệt tại Đề án phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên địa bàn tỉnh (Quyết định số 4839/QĐ-UBND ngày 29/12/2020). Từ năm 2021 thành phố đã đầu tư, cải tạo, chỉnh trang cơ sở vật chất với kinh phí trên 700 triệu đồng; du lịch cộng đồng bước đầu thu hút du khách.
Trong 4 tuyến và 15 điểm du lịch của TP Móng Cái, Hải Sơn nằm trong tuyến 3: Trung tâm TP Móng Cái – Đài tưởng niệm Pò Hèn (gồm các điểm du lịch: Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, Cầu Bắc Luân, Cột mốc 1369, Khu di tích tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Đồn Pò Hèn, Đền Xã tắc, mua sắm tại các chợ, trung tâm thương mại).
Xã Hải Sơn tuyên truyền về hệ giá trị đặc trưng tỉnh Quảng Ninh và hệ giá trị con người Quảng Ninh. Ảnh: Thu Hằng (CTV)
Khu Di tích lịch sử Pò Hèn là một trong những di tích có giá trị đặc biệt tiêu biểu, có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tâm linh của nhân dân thành phố. Khu di tích được UBND thành phố phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh thực hiện công tác quản lý, phát huy giá trị, trở thành một địa điểm du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh thế mạnh của thành phố. Lễ hội Hoa sim biên giới đến nay qua 3 lần tổ chức (lần đầu tháng 5/2022) trở thành điểm đến riêng có trong bức tranh du lịch Móng Cái đặc sắc, thu hút hàng chục nghìn lượt nhân dân và du khách, mở ra cơ hội lớn cho phát triển du lịch cộng đồng, góp phần nâng cao đời sống người dân. Tháng 10/2023 Hải Sơn khôi phục Chợ phiên Pò Hèn, là chợ truyền thống có từ lâu đời, là nơi trao đổi hàng hóa của nhân dân trong vùng, giao thương với thôn Thán Sản (Trung Quốc).
Từ đầu năm 2024 đến ngày 15/9 có trên 150.000 lượt khách đến tham quan tại xã Hải Sơn. Ông Nịnh Văn Sáng cho biết thêm: Thời gian tới xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tạo các sản phẩm vật nuôi, cây trồng phục vụ du khách; xây dựng, chỉnh trang lại nhà cửa, sân vườn, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp; hình thành khung cảnh đẹp để du khách chụp ảnh; kiện toàn đội ngũ thuyết minh viên, tuyên truyền viên (nòng cốt là thanh niên); đội ngũ cộng tác viên thực hiện công tác tuyên truyền quảng cáo trên không gian mạng; giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc trên địa bàn: Các thủ tục trong hôn lễ của người Dao và người Sán Chỉ; lễ cấp sắc của người Dao, lễ cầu mùa của người Sán Chỉ; ngày Lệ làng của người Dao; lễ xuống đồng của người Sán Chỉ; các sản phẩm ẩm thực đặc trưng (bánh chưng, bánh tro, bánh nhân điền, bánh dày, xôi ngũ sắc, thịt lợn hun khói, cá suối nướng, cá suối nấu măng chua, cá suối chao ăn kèm lá lốt, măng rừng muối ớt, gà nướng lá quế, thịt quay nướng ăn với lá nhội…); các làn điệu giao duyên (hát đối của người Dao; Soóng cọ của người Sán Chỉ…); trò chơi dân gian, môn thể thao truyền thống; duy trì mặc trang phục truyền thống…