Đến hết tháng 10/2023, Cục Hải quan Quảng Ninh đã thực hiện 115 cuộc kiểm tra sau thông quan, truy thu thuế trên 11 tỷ đồng (đạt 140% so với chỉ tiêu được giao). Như vậy, cùng với công tác chống buôn lậu, việc đẩy mạnh “hậu kiểm” là giải pháp quan trọng giúp Hải quan tỉnh hoàn thành nhiệm vụ chống thất thoát ngân sách nhà nước và về đích sớm thu ngân sách năm 2023.
Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, hiện đại hoá hải quan, đến nay các thủ tục hải quan cốt lõi tại Hải quan tỉnh đều thực hiện bằng phương thức tự động thông qua thông quan tự động. Việc hiện đại hóa đã tạo sự thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong khai báo hải quan cũng như thông quan hàng hóa. Tuy nhiên, lợi dụng sự thông thoáng trong việc khai báo, một số doanh nghiệp đã khai báo giá, mã hàng hóa sai so với thực tế nhằm mục đích gian lận, trốn thuế. Bên cạnh cố tình gian lận, nhiều doanh nghiệp vi phạm còn do trình độ của các nhân viên xuất, nhập khẩu, dẫn đến vi phạm hành chính các lỗi, như: Khai sai mã số thuế xuất; vi phạm quy định về quản lý hàng tồn kho, dẫn đến hàng hóa thực tế tồn kho thiếu so với sổ sách kế toán, thiếu số tiền thuế phải nộp; vật tư nhập khẩu đã sử dụng để sản xuất không đúng với thực tế sản xuất hàng gia công, sản xuất xuất khẩu; quản lý nguyên vật liệu không đúng theo quy định…
Đặt mục tiêu vừa đảm bảo hài hòa giữa công tác quản lý nhà nước, vừa nâng cao tính tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp, Cục Hải quan tỉnh đã yêu cầu Chi cục Kiểm tra sau thông quan tăng cường áp dụng quản lý rủi ro trong thu thập, phân tích thông tin để lựa chọn doanh nghiệp đề xuất kiểm tra sau thông quan, tăng tỷ lệ phát hiện vi phạm. Theo đó, từ đầu năm 2023 Chi cục đã tổng hợp dữ liệu 5 năm 2018-2022 với trên 524.000 tờ khai, gần 2,7 triệu dòng hàng của 3.850 doanh nghiệp, phân tách thành 18 gói dữ liệu theo doanh nghiệp, 75 gói dữ liệu theo nhóm hàng để phân công kiểm tra, rà soát, đánh giá thông tin, lựa chọn đối tượng kiểm tra sau thông quan năm 2023.
Đồng thời Chi cục thực hiện thu thập và xử lý thông tin sâu đối với các thông tin do các đơn vị trong Cục cung cấp. Từ đầu năm 2023 đến nay, Chi cục đã tiếp nhận, xử lý 59 phiếu thông tin, trong đó đã phân tích đánh giá 15 thông tin có đủ cơ sở đề xuất kiểm tra sau thông quan cấp Cục, tập trung vào những chuyên đề đã xây dựng.
Qua kiểm tra đều phát hiện vi phạm. Cụ thể như kiểm tra đối với loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất, truy thu trên 6 tỷ đồng về hành vi vi phạm trong công tác xây dựng định mức, lập báo cáo quyết toán, theo dõi nguyên liệu, sản phẩm xuất nhập tồn kho, sử dụng nguyên liệu cung ứng trong nước cấu thành sản phẩm gia công có thuế xuất khẩu nhưng không khai báo (quặng sắt, vôi sống)…; kiểm tra hàng hóa có rủi ro về mã số, thuế suất, truy thu trên 1,5 tỷ đồng; chuyên đề khoáng sản đôlômít, truy thu trên 200 triệu đồng. Nhờ thông tin thu thập được đã xử lý hiệu quả gấp 3 lần so với năm 2022, tỷ lệ phát hiện vi phạm qua kiểm tra, thanh tra toàn Cục đạt 82%. Dự kiến đến hết 31/12/2023, Cục Hải quan tỉnh hoàn thành 118 cuộc kiểm tra (bằng 103% chỉ tiêu về số cuộc), số thu ngân sách đạt 11,2 tỷ đồng (bằng 140% chỉ tiêu giao về số thu).
Ông Đoàn Tuấn Anh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra sau thông quan, chia sẻ: Bản chất của công tác “hậu kiểm” là để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp thông quan hàng hóa. Nếu chỉ tập trung vào “tiền kiểm”, hàng hóa sẽ phải tốn thời gian lưu kho lâu, trong khi chờ cơ quan hải quan kiểm tra, thẩm định, kê khai thủ tục. Đơn vị xác định làm tốt khâu “hậu kiểm” để vừa tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp, vừa đánh giá chính xác tính tuân thủ, chấp hành pháp luật của doanh nghiệp tham gia XNK, nhất là khi Quảng Ninh đang là điểm sáng trong nước về thu hút đầu tư nước ngoài. Với tỷ lệ phát hiện vi phạm qua kiểm tra, thanh tra đạt trên 80% đã đưa công tác kiểm tra sau thông quan của Hải quan Quảng Ninh tiếp tục trở thành điểm sáng nổi bật trong Tổng cục.
Phát huy hiệu quả, năm 2024 Chi cục Kiểm tra sau thông quan tăng cường nắm bắt các địa bàn, đặc biệt đối với các khu chế xuất, KCN và các địa bàn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động; phối hợp chặt chẽ với các chi cục hải quan cửa khẩu, đội kiểm soát, cơ quan chức năng quản lý địa bàn để nắm bắt thông tin kịp thời, từ đó tổ chức kiểm tra ngay khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm. Đơn vị mở rộng thêm các chuyên đề dựa trên cơ sở tập trung vào các lĩnh vực kiểm tra mà các chi cục hải quan cửa khẩu chưa chú trọng hoặc chưa kiểm soát được hết.