Tháng 10 năm nay, Thư viện thành phố Fukuoka Nhật Bản đăng cai chương trình chiếu phim với tựa đề “Hai người của nền điện ảnh Việt Nam” nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản.
Đây là chương trình giới thiệu tác phẩm của đạo diễn Việt Linh và đạo diễn Đặng Nhật Minh, chiếu 13 tác phẩm xuất sắc từ kho lưu trữ phim của thư viện, để giúp khán giả nhìn lại thành tích của hai tác giả tiêu biểu trên.
Hai đạo diễn giao lưu với khán giả tại sự kiện trò chuyện trực tuyến, kể về những tình tiết quý giá trong quá trình thực hiện phim cũng như những suy nghĩ của họ về phim điện ảnh.
Chị Ako Akiba, một trong những người phiên dịch tiếng Việt hàng đầu Nhật Bản và cũng là người dịch phụ đề phim, là người dẫn giao lưu.
Đạo diễn Việt Linh vẫn yêu điện ảnh
Tại buổi trò chuyện, đạo diễn Việt Linh kể về Gánh xiếc rong (1988), Dấu ấn của quỷ (1992), Chung cư (1999) và Mê Thảo – thời vang bóng (2002).
Đạo diễn Việt Linh chia sẻ với Gánh xiếc rong, lấy bối cảnh ở ngôi làng trung du nghèo khó nên đạo diễn đã cố ý quay phim đen trắng để cho phim có màu sắc “ngụ ngôn”.
Việt Linh muốn thông qua một truyện ngụ ngôn không xác định rõ thời gian, địa điểm, tên tuổi để truyền đi một thông điệp rằng sự lừa dối không được dung thứ trong xã hội, cuộc sống hay mối quan hệ con người. Bộ phim đã lay động trái tim người xem qua mọi thời đại.
Mê Thảo – thời vang bóng là câu chuyện sử thi, thông qua những con người đau khổ vì tình yêu đơn phương để miêu tả quá trình hiện đại hóa và phát triển ập đến Việt Nam. Có nhiều câu hỏi từ khán giả, trong đó có câu: “Tại sao bà không làm phim sau Mê Thảo rất tuyệt?”.
Đạo diễn Việt Linh trả lời: “Vì lý do sức khỏe nên tôi tạm ngừng làm phim. Hiện tại, tôi đang hoạt động sân khấu, giáo dục, nhưng tình yêu điện ảnh của tôi vẫn không hề suy giảm và tôi đang muốn làm lại”.
Phim của Đặng Nhật Minh với định dạng 4K
Trong buổi nói chuyện, đạo diễn Đặng Nhật Minh lần đầu tiên giới thiệu bộ phim Tháng năm những gương mặt (giải Bông sen bạc Liên hoan phim Việt Nam năm 1977).
Bộ phim tài liệu này quay con người và Sài Gòn vào thời điểm lịch sử sau tháng 5-1975, khi chiến tranh kết thúc.
Phiên bản kỹ thuật số của tác phẩm có giá trị lịch sử được Viện Phim Việt Nam tặng cho Thư viện thành phố Fukuoka vào năm ngoái, giúp tác phẩm này lần đầu tiên được trình chiếu tại Nhật Bản.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng chia sẻ về phim Bao giờ cho đến tháng Mười (1984), một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông. Đặng Nhật Minh nói: “Phim đề cập đến những người chưa từng xuất hiện trong các bộ phim về chiến tranh cho đến lúc đó, tức những người đứng phía sau của chiến tranh.
Phim miêu tả nỗi đau mất mát của họ”. Ông nói thêm về phim Cô gái trên sông (1987) là tác phẩm ra đời vào thời kỳ văn hóa nghệ thuật Việt Nam phát triển rực rỡ sau chính sách Đổi mới, được đánh giá cao cả trong nước và quốc tế.
Năm nay, Thư viện thành phố Fukuoka đã số hóa hai bộ phim kể trên của đạo diễn Đặng Nhật Minh và lần này là buổi chiếu đầu tiên tại Nhật Bản của hai phim bằng định dạng kỹ thuật số 4K.
Trùng hợp, cũng vào tháng 10 tại TP.HCM, đạo diễn Lê Bình Giang tổ chức chương trình Bây giờ đã đến tháng Mười chiếu các phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Phiên bản kỹ thuật số do Fukuoka cung cấp theo yêu cầu của Lê Bình Giang được trình chiếu và nhận được phản hồi tích cực.