Sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, bà con nông dân ở Hải Hà lại bắt tay vào trồng trọt, gieo cấy, khai thác lợi thế đất đai phấn đấu một năm mùa màng bội thu.
Sau vụ rau phục vụ người dân dịp Tết, những ngày này, bà con trong HTX rau an toàn Trung Thái, xã Quảng Minh (Hải Hà) tiếp tục trồng các loại rau mới. Đây là những diện tích rau được trồng trong hệ thống nhà màng lưới. Hệ thống nhà màng này đã cung cấp cho cây rau những điều kiện sinh trưởng và phát triển tốt nhất về các yếu tố nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng. Cùng với đó, hệ thống phun tự động được lắp đặt giúp cung cấp đủ nước cho từng loại rau khác nhau nên năng suất trồng của bà con cũng đạt đáng kể, cho thu hoạch khoảng 150 triệu đồng/ha.
Không chỉ các xã viên HTX Rau an toàn Trung Thái mà hoạt động sản xuất nông nghiệp ngay sau Tết được bà con nông dân Hải Hà tập trung triệt để. Tổng diện tích gieo trồng vụ đông đến 15/1 đạt 795ha, chủ yếu ngô, khoai và rau. Ngay từ đầu tháng 1/2024, huyện đã tập trung chỉ đạo chuẩn bị các điều kiện sản xuất vụ xuân 2024 với kế hoạch diện tích gieo trồng toàn huyện 3.800ha; trong đó lúa xuân 1.522ha; ngô 838ha; lạc, đậu tương 89ha; khoai lang 233ha; ngoài ra còn một số cây trồng khác như rau xanh, cây dược liệu, mía… Đến nay, hầu hết diện tích gieo mạ đã được bà con thực hiện xong và chuẩn bị các điều kiện gieo sạ, cấy đảm bảo tiến độ thời vụ.
Để nâng cao năng suất cây trồng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn chỉ đạo người dân triển khai các biện pháp vệ sinh đồng ruộng, phòng ngừa dịch hại chuyển vụ; quan tâm công tác phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi. Với loài cây chủ lực như cây chè cũng được bà con chăm bón tạo lứa búp mới.
Được biết, Hải Hà tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng, giúp bà con nông dân trên địa bàn phát triển kinh tế. Đến nay, toàn huyện hình thành 17 vùng sản xuất nông, lâm, thủy sản tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa theo chuỗi; hình thành và phát triển các trang trại, vùng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ; đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp… Qua đó, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất trên từng đơn vị diện tích canh tác, tăng thu nhập cho người nông dân.
Riêng với chè, trên địa bàn huyện đã có 3 HTX và 16 tổ hợp tác, với trên 200 hộ tham gia. Các HTX, tổ hợp tác hiện đang quản lý khoảng 35ha được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Hàng trăm ha chè khác cũng đang sản xuất theo hướng VietGAP… giúp vị thế chè Hải Hà ngày càng được nâng cao. Riêng năm 2023, sản lượng chè tươi trên địa bàn huyện đạt 6.352 tấn búp tươi với giá thu mua nguyên liệu tương đối cao, từ 7.000-8.000 đồng/kg đối với chè trung du, 10.000-12.000 đồng/kg đối với chè Ngọc Thúy.
Với bà con ngư dân trên địa bàn, sau vụ khai thác thủy sản phục vụ Tết Nguyên đán 2024, nhiều hộ nuôi trồng thủy sản cũng bắt tay vào đợt nuôi trồng mới. Huyện cũng đã tổ chức 1 buổi tập huấn, hướng dẫn về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký giao mặt biển để nuôi trồng thủy sản cho trên 30 hộ dân, hợp tác xã; đồng thời tập trung chỉ đạo thực hiện phát triển kinh tế thủy sản theo hướng chuyển dịch cơ cấu giữa khai thác với nuôi trồng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Riêng năm 2023, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện đạt 1.485ha, trong đó nuôi tôm đạt 365ha; sản lượng nuôi trồng đạt 8.750 tấn. Còn tháng 1/2024, sản lượng thủy sản nuôi trồng của huyện đạt 930 tấn. Huyện tập trung phát triển nuôi trồng các đối tượng có lợi thế của huyện như: Tôm thẻ chân trắng, nhuyễn thể…; trên cơ sở tích hợp quy hoạch nuôi biển vào quy hoạch chung của tỉnh; khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển nuôi biển như cá lồng bè, nhuyễn thể hàu, hai cùi, tu hài… và đầu tư các vùng sản xuất tập trung.
Huyện đã tích hợp quy hoạch không gian nuôi biển vào quy hoạch chung của tỉnh với diện tích là 2.570ha, chia thành 6 khu vực nằm trong vùng từ 3-6 hải lý; trong đó, huyện lên sơ đồ 4 khu vực nuôi trồng thủy sản để người dân đăng ký nuôi trồng thủy sản trên biển, 2 khu vực thu hút đầu tư các HTX, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Thời gian tới, huyện dự kiến tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, đẩy mạnh cơ giới hóa, đồng bộ các khâu trong quá trình sản xuất; tăng cường liên kết bốn nhà trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển các mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới; tiếp tục phát triển các tổ liên kết trong lĩnh vực nông nghiệp… từ đó tiếp tục nâng cao hơn chất lượng cuộc sống của người dân vùng nông thôn trên địa bàn.