Hải Hà có diện tích trồng chè lớn nhất tỉnh với 850ha. Nghề trồng và chế biến chè cũng là nghề truyền thống, đem lại cuộc sống ổn định cho hàng nghìn hộ dân nơi đây. Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè, huyện đã đưa nhiều giống mới, ứng dụng KH-KT vào sản xuất.
Quảng Thịnh là một trong những xã có diện tích trồng chè lớn tại huyện Hải Hà với 251 hộ tham gia trên tổng diện tích 92,8ha. Trong những năm qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của huyện, xã đã tích cực vận động nhân dân chuyển đổi, đưa các giống chè mới như Ngọc Thúy, Phúc Văn Tiên, Hương Bắc Sơn vào sản xuất thay thế giống chè trung du lá nhỏ để nâng cao hiệu quả kinh tế. Đến nay, toàn xã đã trồng được 81,3ha giống chè mới, chiếm hơn 87,6% diện tích chè toàn xã, năng suất bình quân đạt 21,6 tấn/ha/vụ. Với đầu ra ổn định, giá bán 6.500 đồng/kg chè búp tươi, tổng thu nhập từ chè đạt hơn 13 tỷ đồng/năm.
Xác định chè là cây trồng mũi nhọn, cây chủ lực của địa phương, từ năm 2018 xã đã vận động nhân dân sản xuất chè theo quy trình VietGAP để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Đến nay, toàn xã đã trồng được 13ha chè VietGAP với 46 hộ tham gia.
Ngoài thay đổi phương thức trồng, thời gian qua, trên địa bàn xã có gia đình ông Bùi Văn Cử (thôn 6) đã ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước trong thâm canh cây chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Với tổng diện tích 6.000m2 chè, bao gồm 4.000m2 chè Ngọc Thúy và 2.000m2 chè Trung du lá nhỏ, trước đây, gia đình ông sử dụng bơm thủ công, bằng cách bơm tràn trên toàn bộ diện tích. Với cách thông thường này, gia đình phải mất khoảng 2 ngày, mỗi ngày bơm 12 tiếng để nước chảy, tự ngấm trên các luống chè, vừa tốn nhiều thời gian, chi phí mà vào mùa khô lượng nước tưới còn không đủ.
Từ khi lắp hệ thống bơm bán tự động, gia đình chỉ cần bật máy bơm khoảng 2 giờ là toàn bộ diện tích chè đã được bơm đủ nước, tiết kiệm được hơn 50% lượng nước. Khi cây chè đủ nước sẽ sinh trưởng và phát triển tốt hơn, giúp tăng năng suất, trước đây, mỗi năm chỉ thu được 6 lứa, nay tăng thêm từ 1 đến 2 lứa nữa.
Từ nay đến năm 2030, Quảng Thịnh sẽ phát triển diện tích chè lên 110ha, tiếp tục chuyển đổi, thay thế 11,5ha chè trung du lá nhỏ còn lại bằng các giống chè lai, chè mới; phấn đấu đến năm 2030 có 50% số hộ dân tham gia trồng chè VietGAP; nâng cấp thương hiệu sản phẩm chè OCOP đạt cấp 4 sao; tổng thu nhập từ chè đạt 16 tỷ đồng/năm.
Với lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng, nguồn nước, khí hậu, những năm qua, nghề trồng, chế biến chè ở Hải Hà đã dần phát triển, tạo nên thương hiệu riêng. Đến thời điểm hiện nay, toàn huyện có gần 2.000 hộ trồng chè với tổng diện tích trên 850ha, trong đó diện tích chè giống mới chiếm hơn 74%. Các giống chè mới khi đưa vào sản xuất đều phát triển tốt và cho năng suất cao, trung bình đạt 8,5 tấn chè búp tươi/ha/năm, tổng sản lượng đạt 7.225 tấn/năm. Trong 8 tháng đầu năm 2024, sản lượng chè tươi của huyện đạt hơn 5.000 tấn, trị giá 100 tỷ đồng.
Toàn huyện hiện có 45ha chè trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó có 35ha đã được chứng nhận và 10ha đang thực hiện. Huyện có 37 cơ sở sản xuất, chế biến chè, trong đó có một số cơ sở lớn như cơ sở chế biến chè Dũng Nga, cơ sở chế biến chè Đào Thị Bính… các cơ sở này đã tham gia chu trình OCOP và được đánh giá xếp hạng sao.
Đặc biệt, sản phẩm chè Đường Hoa của huyện đã có nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý, được xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Ninh 4 sao với bao bì hoàn thiện, tem nhãn, mã vạch truy xuất nguồn gốc.
Trong thời gian tới, Hải Hà sẽ tiếp tục duy trì diện tích nương chè; tập trung thay thế các giống chè cũ, năng suất và chất lượng thấp bằng các giống chè chất lượng cao; vận dụng tối đa các cơ chế, chính sách để hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh đầu tư nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các sản phẩm từ chè nhằm hướng tới nhiều đối tượng và mở rộng thị trường theo hướng xuất khẩu chè chất lượng cao, từ đó nâng cao giá trị, chất lượng của cây chè và từng bước cải thiện đời sống người trồng chè.