Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, đến nay, KT-XH các xã miền núi, biên giới, hải đảo của huyện Hải Hà đã có sự đổi thay rõ rệt.
Nghị quyết số 06-NQ/TU đặt ra mục tiêu, phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh tăng tối thiểu 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 3%/năm; không còn nhà ở tạm, nhà dột nát; cơ bản giải quyết dứt điểm nhu cầu cấp thiết về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo, khó khăn. Đến hết năm 2022 không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo tiêu chí mới; trên 98% đồng bào DTTS có bảo hiểm y tế; 100% hộ đồng bào DTTS được xem truyền hình, nghe đài phát thanh quốc gia và tỉnh Quảng Ninh; trên 95% người dân được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; phấn đấu hết năm 2021, xóa “vùng lõm” sóng điện thoại di động ở các khu vực có dân cư sinh sống thuộc địa bàn miền núi, biên giới, hải đảo. Đến hết năm 2022, có 100% số xã thuộc phạm vi đề án đạt chuẩn NTM. Đến năm 2025, có trên 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao và trên 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 100% đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM…
Là huyện miền núi, biên giới, biển đảo của tỉnh, huyện Hải Hà có 11 xã, thị trấn, trong đó có 5 xã thuộc vùng DTTS miền núi là Quảng Sơn, Quảng Đức, Quảng Phong, Quảng Thịnh, Đường Hoa và 1 xã đảo là Cái Chiên. Toàn huyện có 13 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 25%, gồm các dân tộc Dao, Tày, Sán Dìu, Sán Chỉ, Hoa, Nùng, Mường, Cao Lan, Thái, Củi Chu, Khorrme, La Chí.
Xác định triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia gắn với Nghị quyết 06-NQ/TU là nhiệm vụ quan trọng nhằm đẩy mạnh phát triển KT-XH của địa phương, đặc biệt là đối với vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo; góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo, chênh lệch vùng, miền; cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân. BTV Huyện ủy Hải Hà đã ban hành Chương trình hành động số 11-CTr/HU ngày 30/7/2021 để triển khai thực hiện với quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc xây dựng, phát triển vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo một cách bền vững trên mọi lĩnh vực.
Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, phường, các cơ quan chuyên môn tham mưu gắn nhiệm vụ phát triển bền vững KT-XH với bảo đảm vững chắc quốc phòng – an ninh với việc xác định rõ 9 nhóm mục tiêu, 3 khâu đột phá và 7 nhóm giải pháp cụ thể. Trong đó đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo; tập trung phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng tâm là đào tạo nghề cho lao động trẻ để chuyển đổi cơ cấu lao động, cơ cấu nông thôn gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS và người công tác tại vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Huyện cũng tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư; tổ chức lại sản xuất ở vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, gia tăng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa; lấy công nghiệp, dịch vụ thúc đẩy nông nghiệp, lấy đô thị dẫn dắt nông thôn.
Theo báo cáo của UBND huyện Hải Hà, trong giai đoạn từ 2021-2023, tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện các nhiệm vụ đạt hơn 137,6 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn các hộ đồng bào DTTS vay phát triển sản xuất, kinh doanh tạo việc làm đạt hơn 35 tỷ đồng. Với cách làm bài bản, đồng bộ nhịp nhàng từ huyện tới các xã, Nghị quyết số 06-NQ/TU đã được hiện thực hóa, từng bước hỗ trợ, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Tính đến nay, huyện Hải Hà đạt 14/21 chỉ tiêu theo Nghị quyết số 06-NQ/TU đề ra. Trên địa bàn huyện không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của Trung ương. Số hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh giai đoạn 2023-2025 hiện tại là 67 hộ, chiếm tỷ lệ 0,36%. Số hộ cận nghèo còn 281 hộ, tỷ lệ 1,52%. Năm 2023, huyện Hải Hà đã hoàn thành xây mới, sửa chữa 33 nhà ở cho các hộ dân, hiện nay toàn huyện không còn nhà ở dột nát.
Đến cuối năm 2023, toàn huyện có 41/43 trường học đạt chuẩn quốc gia, chuẩn chất lượng giáo dục. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đến cuối năm 2023 đạt 96,5%, tăng 0,5% so với năm 2022; đảm bảo 100% đơn vị cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và có ít nhất 65% đơn vị cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3; trên 99% số hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% số hộ dân trên địa bàn được sử dụng điện an toàn; trên 90% số rác thải sinh hoạt của người dân các xã miền núi, hải đảo được thu gom, xử lý theo đúng quy định. 100% các thôn được phủ sóng điện thoại di động và hạ tầng băng rộng cáp quang; 100% hộ đồng bào DTTS được xem truyền hình, nghe đài phát thanh quốc gia và tỉnh Quảng Ninh; 100% xã, thôn, bản thường xuyên được xây dựng, trang bị và củng cố kiến thức, kỹ năng đối với lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên, công an viên. Đến hết năm 2022, huyện Hải Hà đã không còn các xã, thôn, bản thuộc vùng đặc biệt khó khăn.