Phú là một thể văn chương có sự kết hợp giữa tính chất thi ca với tản văn, xuất hiện ở nước ta từ rất sớm. Hiện chưa rõ tác phẩm phú đầu tiên ra đời vào thời điểm nào, song thư tịch cổ hiện còn lưu lại những tác phẩm phú xuất sắc từ thời Trần – Lê được truyền tụng sâu rộng trong đời sống văn hóa dân tộc.
Có thể kể như như: Cư trần lạc đạo phú (Bài phú về cảnh sống ở cõi trần mà vẫn vui vì lẽ đạo) của Trần Nhân Tông (1258-1308), Vịnh Vân Yên tự phú (Phú Vịnh chùa Vân Yên) của Huyền Quang (1254-1334), Bạch Đằng Giang phú (Phú Sông Bạch Đằng) của Trương Hán Siêu (?-1354), Tụng Tây Hồ phú (Phú Ca tụng Hồ Tây) của Nguyễn Huy Lượng (1750-1808)… Nhiều tác phẩm phú được viết bằng chữ Nôm, trong đó có hai bài rất nổi tiếng hàm chứa nội dung giáo lý Trúc Lâm, ca ngợi cảnh sắc non thiêng Yên Tử. Đó là Cư trần lạc đạo phú của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông và Vịnh Vân Yên tự phú của Thiền sư Huyền Quang, đệ tam Tổ Trúc Lâm Yên Tử.
Bản tuyên ngôn bằng nghệ thuật về con đường sống đạo
Cư trần lạc đạo phú được viết sau khi hoàng đế Trần Nhân Tông giác ngộ Phật, đã thực chứng được chân lý Phật Đà theo phương thức tu Tâm của Phật giáo Trúc Lâm do Quốc sư Trúc Lâm đầu thời Trần khởi xướng: “Phật chỉ ở trong Tâm. Tâm lặng và sáng đó chính là Phật đấy”. Người tu tại gia không lánh đời thoát tục vẫn có thể ngộ đạo. Sách Thượng Sỹ hành trạng do chính ngài biên soạn ghi thời điểm ngài lĩnh hội yếu chỉ Thiền tông “trong thời gian cư tang” mẹ (khoảng từ tháng 2 năm Đinh Hợi 1287 đến tháng 2 năm Canh Dần 1290). Năm 1293, ngài nhường ngôi cho con. Năm 1295, ngài xuất gia ở hành cung Vũ Lâm. Câu mở đầu bài phú viết: Mình ngồi thành thị, nết dụng sơn lâm giúp ta cơ sở suy đoán: Cư trần lạc đạo được viết vào thời điểm tác giả vẫn còn tại gia nơi “thành thị”, sau khi thành Điều Ngự Giác Hoàng (Điều Ngự là tên gọi đức Phật Thích-ca, “Điều Ngự Giác Hoàng” là “Hoàng đế giác ngộ đạo Thích-ca”), tức được viết ở khoảng thời gian từ năm hoàng đế Nhân Tông cư tang mẹ (1287) đến khi ngài xuất gia (1295).
Về thời điểm ra đời của bài phú Vịnh chùa Vân Yên, Phật sử chép: Năm 1307, Thiền sư Huyền Quang được Điều Ngự Giác Hoàng giao trụ trì chùa Vân Yên. Rất có thể bài phú ra đời từ thời điểm này. Đêm mùng 1 tháng 11 năm Mậu Thân 1308, Phật Hoàng nhập Niết bàn ở am Ngọa Vân, song Vịnh Vân Yên tự phú không thấy đề cập đến sự kiện này, chứng tỏ bài phú được viết trước khi Phật Hoàng viên tịch. Có thể khẳng định bài phú được viết trong khoảng thời gian 1307-1308, sau khi tác giả trụ trì chùa Vân Yên, trước khi Phật Hoàng viên tịch.
Xin được nêu sơ lược nội dung hai tác phẩm:
Cư trần lạc đạo gồm 10 hội và 4 câu kệ ở phần kết. Mỗi hội gồm nhiều câu, hàm chứa tư tưởng, nội dung giáo lý Trúc Lâm.
Ở Đệ nhất hội (Hội thứ nhất), đức Hoàng đế – Thiền sư – cư sỹ Trần Nhân Tông đề cao lợi lạc của sự tu tâm: Khi các nghiệp (thân, khẩu và ý) đã lắng xuống thì thể và tính của mình đều được an tĩnh, chỉ cần nửa ngày thực tập thảnh thơi thì thân và tâm đều trở nên tự tại: Muôn nghiệp lặng an nhàn thể tính; nửa ngày rồi tự tại thân tâm.
Những người tu tiên vì muốn đổi cốt và phi thăng nên mới luyện thuốc thần đan để uống. Trong khi đó, những người tu Phật thì yêu thích việc đọc kinh xem luận, cho rằng nếp sống thanh tịnh còn quý hơn châu báu bạc vàng.
Ở Hội thứ hai, ngài khuyên chúng sinh nên chọn pháp môn tu tâm theo Phật giáo Trúc Lâm. Cái quan trọng nhất là làm cho tâm mình thảnh thơi, ngoài ra không có pháp môn tu học nào màu nhiệm như thế. Phải gìn giữ tính sáng thì mới mong đem tới cho ta an lạc. Phải ngăn ngừa vọng niệm thì vọng niệm ắt dừng. Vượt ra khỏi ý niệm “ta và người” thì thực tướng kim cương của tâm mới hiển hiện. Chuyển hóa được hết tham, sân, si thì mới thấy được diệu tâm viên giác. Với quan niệm “Phật tại tâm”, ngài cho rằng: Tịnh độ (Cõi Phật) chính là tự tâm thanh tịnh của ta, Di đà (Đấng Giác ngộ) chính là tự tính sáng soi của ta, không cần phải nhọc nhằn tìm về một cõi cực lạc ở đâu đó nữa: Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương; Di đà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm về cực lạc.
Ngài đề cao lối sống thanh tịnh: Ăn thì chỉ cần ăn rau trái, miệng không ngại những món đắng cay; mặc thì chỉ chọn vải bố vải sồi, thân chẳng quản màu nâu màu bạc và cho rằng: Chỉ cần sống vui được với đạo đức thì nửa gian lều ở cũng còn quý hơn cả cung trời. Khi đã mến chuộng nhân nghĩa thì ba phiến ngói còn yêu hơn cả lầu son gác tía.
Ở Hội thứ ba, ngài luận giải về kết quả của sự tu học: Một khi đã đạt được sự hiểu biết thì mọi lầm lỗi trong quá khứ sẽ biến thành hư không và các phép tu tập về giới – định – tuệ sẽ được thông suốt. Một khi đã giữ được tính sáng của chân tâm thì không còn lạc vào con đường tà đạo và đường tu học sẽ chính tông. Tự tính của ta đã sáng trong thì tài sản và tư lợi không còn là đối tượng của ham muốn. Luôn đề cao cảnh giác đối với thanh sắc và ái dục thì tà niệm sẽ dừng lại mà không còn lay chuyển được ta. Tuy còn sống trong cõi trần tục mà ta vẫn thành công được trong sự tu tập, niềm hạnh phúc ấy ta yêu chuộng hết lòng, dù có ở chốn núi rừng mà chưa có được tuệ giác thì tai họa vẫn còn, thật chẳng đáng cho ta đã uổng phí công phu tu tập: Trần tục mà nên, phúc ấy càng yêu hết tấc; sơn lâm chẳng cốc, họa kia thực cả đồ công.
Nếu hết lòng phát nguyện cầu được thân cận minh sư thì quả vị Bồ đề có thể trong nội một đêm mà chín. Nếu có phúc được gặp người thiện tri thức thì đóa hoa Ưu Đàm chẳng cần mấy kiếp cũng có thể đơm bông.
Ở Hội thứ tư, ngài chỉ rõ: Nếu một lòng tu tâm thì mọi phiền não, khổ đau chấm dứt. Biết tu nhân tích đức, biết nghiêm trì giới hạnh, biết đoạn tuyệt ghen tham, ai cũng có thể trở thành đức Phật Thích-ca, Di-lặc:
Tích nhân nghì, tu đạo đức, ai hay này chẳng Thích-ca;
Cầm giới hạnh, đoạn ghen tham, chỉn thực ấy là Di-lặc.
Ở Hội thứ năm, ngài đưa ra quan điểm rất mới lạ so với nhận thức của nhiều người đương thời và kể cả thời nay: Bụt (Phật) ở trong tâm mình, chẳng phải tìm đâu xa. Chỉ vì quên gốc nên ta mới đi tìm Bụt. Đến khi ta biết được rồi thì “Bụt chính là ta”. Và ngài chỉ ra: Để làm theo Phật, người tu tâm nhất thiết phải hộ trì tám loại tâm thức (nhãn thức, nhĩ thức, v.v..), ngăn được tám ngọn gió (lãi – lỗ, nhục – vinh, khen – chê, sướng – khổ).
Ở Hội thứ sáu, ngài khẳng định: Chỉ cần thực tập giữa cho tâm mình an định và sáng suốt là tự nhiên ta được đi vào con đường chính đạo. Biết làm thanh tịnh ba nghiệp (thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp) thì thân và tâm mới bình an, tới được chỗ nhất tâm thì mới thông đạt lời dạy của chư Tổ. Nếu giữ được tâm giới thanh tịnh, làm cho tướng giới sạch trong thì trong ngoài đều hiện được tướng Bồ-tát trang nghiêm. Nếu ngay thẳng thờ vua, hiếu thảo thờ cha thì khi đi hay lúc dừng đều chứng tỏ là mình bậc trượng phu trung hiếu. Và ngài khuyên: Khi tham thiền cần thân cận bạn tu, lúc học đạo cần phải tìm cầu bậc minh sư.
Ở Hội thứ bảy, ngài cho rằng: Phép Bụt rất sâu, có thực tập mới bắt đầu biết rõ. Vô minh càng tan biến thì tâm Phật càng sáng tỏ; phiền não càng chuyển hóa bao nhiêu thì đạo đức càng ham chuộng bấy nhiêu. Nghiên cứu và thực hành theo nội dung Kinh văn thì lời Bụt dạy mới có thể dễ dàng lĩnh hội; học hỏi và làm theo pháp môn của Tổ thì ý chỉ Thiền sẽ không khó nhận ra. Tu tâm chính là việc phóng lửa giác ngộ đốt cho cháy hết tất cả các rừng tà kiến chất chứa từ bao nhiêu ngày trước, là cầm kiếm trí tuệ diệt cho tới cùng những nhận thức sai lạc vẫn còn sót lại hôm nay. Người tu đạo nên nhớ ân nghĩa các bậc thánh tăng, yêu thương mẹ cha, theo chí thờ thầy mà học đạo, yêu chuộng đức độ của Phật Thích-ca, tránh con đường hưởng thụ, một lòng giữ giới và ăn chay…
Ở Hội thứ tám, ngài răn: Chỉ nên tập rèn, chớ bỏ học. Lay cho ý thức tỉnh dậy. Buông bỏ mọi vọng niệm. Chìm đắm trong công danh, đó những kẻ ngây thơ dại dột. Nuôi phúc tuệ lớn lên, đó mới là người trí tuệ thực tài. Những việc bắc cầu, đưa đò, dựng xây chùa tháp… chỉ là những gì hình tướng bên ngoài, còn bồi đắp hỷ xả, nuôi dưỡng từ bi mới là việc làm đưa tới tâm giải thoát. Luyện tâm thành Bụt cần phải trau dồi. Kính Phật, tu thân, đừng xem thường những điều nhỏ nhặt.
Ở Hội thứ chín, ngài khẳng định: Các phép thiền cơ mà chư tổ đem dạy, tuy có nhiều đường, song cũng không khác nhau là mấy. Ngài nhắc tới vị Tổ Thiền Bồ-đề Đạt-ma và dùng nhiều điển tích, như: “Vương Lão chém mèo”, “giá gạo ở chợ Lư Lăng”, “phá Táo cất cờ”, “lưỡi gươm Lâm Tế”, “sư tử ông Đoan, trâu thầy Hựu”, “ruộng Tào Khê, vườn Thiếu Thất”… cốt để nêu lên: Con đường tu tâm tuy khó khăn, gập ghềnh trắc trở, song nếu quyết chí, nhất tâm, dụng công và khiêm tốn ắt sẽ vượt qua, tới đích giác ngộ và giải thoát.
Ở Hội thứ mười, ngài chỉ rõ vì sao việc tu tâm thất bại: Vì lòng ta còn vướng chấp, cái biết chưa được đến nơi đến chốn. Tu tập thành công không phải do ở núi cao hay nơi thành thị.
Kết thúc bài phú là bốn câu kệ được viết bằng chữ Hán đúc kết vấn đề cơ bản của việc tu tâm theo tinh thần Phật giáo Trúc Lâm:
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên.
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch,
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.
(Sống giữa phàm trần, hãy tùy duyên mà vui với đạo,
Đói thì ăn, mệt thì ngủ.
Trong nhà sẵn của báu, đừng tìm đâu khác,
Đối diện với mọi cảnh giới mà vẫn giữ được Tâm Không thì cần chi hỏi Thiền nữa).
Bằng bốn câu kệ, Phật Hoàng khuyên chúng sinh hãy hòa mình vào đời, tùy duyên mà sống vui với đạo. Hành động tùy duyên là làm đúng việc, đúng lúc, không trái với quy luật tự nhiên. Cần tự tin vào chính năng lực của mình, không tìm cầu sự trợ lực bên ngoài. Đối diện với trần cảnh mà tâm vẫn lặng và sáng ắt sẽ không còn lệ thuộc vào kinh điển nữa.
Như vậy, sau khi giác ngộ Phật, Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông viết phú Cư trần lạc đạo để tả tâm, tải đạo. Tác phẩm là một trong những kinh sách chính yếu đương thời của Phật giáo Trúc Lâm và thực sự trở thành “phương tiện dẫn dụ quần mê, đường tắt tỏ nẻo sinh tử”, “làm cán cân cho hậu thế, làm khuôn phép cho tương lai” (Thiền tông chỉ nam tự – Trần Thái Tông).
Áng thiên cổ thiền văn đặc sắc
Nếu Cư trần lạc đạo phú của Phật Hoàng Trần Nhân Tông truyền tải giáo lý Trúc Lâm thì Vịnh Vân Yên Tự phú của Sư Tổ Huyền Quang chủ yếu ngợi ca nơi Non thiêng Yên Tử, qua đó ngợi ca phẩm hạnh Phật Hoàng.
Vịnh Vân Yên Tự phú gồm 8 đoạn và 8 câu kệ ở cuối bài. Những câu đầu của bài phú ngợi ca vùng đất và cảnh trí ở Yên Tử đẹp và quý như vàng như ngọc, có mây ngũ sắc quanh năm che phủ đền đài của vua Trần, có núi nghìn tầng, đường vào quanh co hiểm trở. Đường lên núi đá xếp làm bậc thang, khi leo dốc phải vịn tay vào bậc đá. Suối nước sâu chảy xiết, khi qua suối phải dò từng bước. Từng vạt cỏ dập dờn theo gió thổi. Sắc núi sau cơn mưa như đậm màu hơn. Ngàn cỏ cây hoa lá trên cánh rừng Cánh Phượng như ở vườn thượng uyển tốt tươi. Những hạt nước tuôn ra từ hang Hàm Rồng như nhả ra những hạt châu hạt ngọc:
Đất tựa vàng rèn;
Cảnh bằng ngọc đúc.
Mây năm thức che phủ đền Nghiêu;
Núi nghìn tầng quanh co đường Thục.
Ở đó, nổi bật cảnh quan chùa Vân Yên với hồ sen phô sắc lá màu xanh biếc, dòng suối chảy qua rừng trúc rì rào, róc rách như tiếng đàn tranh, những cây hoa mai xếp thành hai hàng như những viên quan ngự sử và những cây tùng vây quanh như bậc trượng phu đang đứng chầu vua:
Hồ sen giương tán lục;
Suối trúc bấm đàn tranh.
Ngự sử mai hai hàng chầu rập;
Trượng phu tùng mấy chạnh phò quanh.
Nơi đây có sự hòa hợp tuyệt vời giữa con người với thiên nhiên. Những chú chim làm bạn với con người cùng nâng những đóa hoa tươi lên cúng Phật. Những chú vượn bồng con đứng kề bên cửa, lắng nghe Phật Hoàng tụng đọc kinh:
Chim óc bạn cắn hoa nâng cúng;
Vượn bồng con kề cửa nghe kinh.
Yên Tử là cảnh Tiên, cảnh Phật chốn trần gian. Phong cảnh nơi đây tốt tươi, hòa hợp, an lành, đẹp như tranh. Đó là nơi mà trời thiêng đã tạo, dành riêng cho Vua Bụt Trần Nhân Tông tu hành:
Chỉn ấy trời thiêng mở khéo;
Hèn chi Vua Bụt tu hành.
Phật Hoàng khước từ cuộc sống nơi lầu son gác tía về chốn núi rừng tu khổ hạnh:
Mặc cà sa nằm trướng giấy, màng chi châu đầy lẫm, ngọc đầy rương;
Quên ngọc thực bỏ hương giao, cắp nạnh cà một vò, tương một hũ.
Hình ảnh Phật Hoàng trên non thiêng Yên Tử hiện lên vừa thực, vừa siêu thoát huyền ảo:
Nương am vắng Bụt hiện từ bi, gió hiu hiu, mây nhè nhẹ;
Kề song thưa thầy ngồi thiền định, trăng vằng vặc, núi xanh xanh.
Nếu coi Cư trần lạc đạo phú của Phật Hoàng Trần Nhân Tông là bản tuyên ngôn bằng nghệ thuật về con đường sống đạo mà Phật giáo Trúc Lâm Đại Việt đã đề ra, chi phối toàn bộ tư tưởng, cuộc sống người dân thời ấy thì Vịnh Vân Yên Tự phú của Tôn giả Huyền Quang là áng thiên cổ thiền văn đặc sắc về nội dung và hình thức thể hiện, gián tiếp trình bày giáo lý Trúc Lâm qua việc mô tả cảnh sắc thiên nhiên và người tu tâm, tu tuệ ở Yên Tử: Vua Bụt Nhân Tông và đệ tử Huyền Quang.