Thời gian qua, chính quyền TP Hạ Long có nhiều giải pháp mạnh để chấn chỉnh hoạt động vận chuyển, kinh doanh dăm gỗ trên địa bàn. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng các doanh nghiệp vận chuyển dăm gỗ gây ô nhiễm môi trường lại tiếp diễn, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh cũng như hình ảnh thành phố di sản.
Theo thống kê sơ bộ của Phòng TN&MT thành phố, trên địa bàn TP Hạ Long có 24 đơn vị có hoạt động sản xuất, tập kết, vận chuyển và kinh doanh dăm gỗ trong KCN Việt Hưng, khu vực Cảng Cái Lân và trên địa bàn các xã, phường Vũ Oai, Hoành Bồ, Giếng Đáy, Hà Khánh… Trong quá trình vận chuyển, kinh doanh dăm gỗ, các doanh nghiệp thường xuyên không đảm bảo vệ sinh môi trường, gây mất ATGT; cơi nới thành thùng, làm rơi vãi dăm gỗ ra đường và xuống biển.
Năm 2023 và đầu năm 2024, TP Hạ Long liên tục họp bàn để hạn chế và xử lý dứt điểm tình trạng này, trong đó thực hiện nghiêm việc xử phạt hành chính với 7 đơn vị vi phạm lĩnh vực môi trường, lập hồ sơ vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai với những doanh nghiệp sử dụng đất không đúng mục đích; đề xuất chấm dứt hoạt động của các doanh nghiệp hết hạn thực hiện dự án, di dời cơ sở dăm gỗ tập kết không đúng quy hoạch; kiểm tra xử lý các xe tải chở dăm gỗ vi phạm…
Tuy nhiên, sau mỗi đợt ra quân của lực lượng chức năng thành phố, tình trạng hoạt động kinh doanh, vận chuyển dăm gỗ gây ô nhiễm môi trường xảy ra. Hiện dọc tuyến đường KCN Cái Lân ra nút giao cầu Tình Yêu, đường nối giữa KCN Cái Lân với KCN Việt Hưng lên cao tốc Hạ Long – Vân Đồn… thường xuyên có tình trạng dăm gỗ rơi vãi từ các xe tải, đây cũng là nỗi ám ảnh của những công nhân làm việc trong KCN Cái Lân và của người dân sống gần các tuyến đường.
Theo ghi nhận của phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh, tình trạng các xe vận chuyển làm rơi vãi dăm gỗ ra đường đã kéo dài nhiều tháng nay, nhất là những hôm có tàu cập cảng Cái Lân và cảng CICT Cái Lân để bốc hàng sẽ có hàng trăm xe tải ngược xuôi chở dăm gỗ vào cảng, trong đó có rất nhiều xe dăm gỗ được chất cao hơn thành thùng xe, xe không được phủ bạt kín, không được làm sạch thành thùng mỗi khi bốc xếp hàng. Khi gặp gió lớn, dăm bị cuốn mù mịt, rơi vãi dày hai bên vệ đường, lâu ngày còn gây tắc hệ thống thoát nước.
Ông Nguyễn Văn Hùng (phường Giếng Đáy) bức xúc nói: Xe dăm gỗ chạy rầm rập mỗi ngày, mùa hanh khô này gió thổi mạnh, sáng mở cửa là bụi dăm cuốn vào nhà, không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe. Mỗi khi có phương tiện tải trọng lớn đi qua, người điều khiển xe máy, xe thô sơ còn bị gió cuốn tốc dăm gỗ lên, táp vào mặt, gây nguy hiểm khi tham gia giao thông.
Việc các doanh nghiệp lưu trữ dăm gỗ tại các bãi ngay sát biển cũng quá cao, nhìn từ xa không khác những quả “đồi” dăm gỗ và khi không được che phủ, gặp gió sẽ phát tán bụi dăm gỗ, gây ô nhiễm môi trường nước. Câu chuyện ô nhiễm vùng biển do dăm gỗ cũng đã từng xảy ra ở cảng Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi) khi lượng gỗ dăm tồn lớn gặp nước mưa ngấm lâu, nước thải ra biển đã làm ảnh hưởng hệ thực vật rong tảo đáy biển.
Điều đáng nói là những doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh, vận chuyển dăm gỗ cũng đã cam kết với thành phố chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường không chỉ trong phạm vi của cảng mà của cả khu vực Cái Lân và dọc các tuyến đường vận chuyển. Đồng thời đóng góp kinh phí để thực hiện quét dọn hằng ngày dọc hai bên tuyến đường ra vào cảng, căng bạt phủ kín các thùng xe, kiểm soát chặt chẽ kho bãi, không gây mất vệ sinh ra tuyến đường vận chuyển chung. Thế nhưng, những cam kết trên vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc, thậm chí một số doanh nghiệp “phớt lờ” chỉ đạo của chính quyền địa phương.
Ông Nguyễn Tiến Bình, Trưởng Ban môi trường, Hiệp hội Dăm gỗ TP Hạ Long, cho biết: Năm 2024 chúng tôi đã tạm thu 1.000 đồng/tấn qua cảng của các doanh nghiệp để dùng số tiền này thuê đơn vị thực hiện công tác vệ sinh môi trường trong KCN Cái Lân. Tuy nhiên, đến nay còn khoảng 10 doanh nghiệp chưa đóng tiền dẫn đến nguồn kinh phí chưa đảm bảo. Việc thu gom, dọn dẹp dăm gỗ rơi vãi hai bên tuyến đường trong KCN cũng gặp nhiều khó khăn do không có bãi đỗ xe tập kết nên hàng trăm xe đỗ kín hai bên đường cũng làm cho việc quét dọn không thể thực hiện được hằng ngày. Do đó, chúng tôi mong tỉnh và thành phố tạo điều kiện thành lập Hiệp hội Logistics Quảng Ninh để hoạt động độc lập, có hạch toán thu chi và có trách nhiệm trong việc giám sát, đôn đốc, triển khai các công tác đảm bảo vệ sinh môi trường. Thành phố cần sớm quy hoạch, xây dựng, bố trí một bãi đỗ xe tập kết để giảm tải ách tắc cũng như mất vệ sinh môi trường do chính các xe này gây ra và có biện pháp xử lý nghiêm đối với những doanh nghiệp không đóng góp kinh phí vệ sinh môi trường.
Trước tình trạng này, TP Hạ Long cần tiếp tục chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các phương tiện vận tải vi phạm về tải trọng, nhất là các phương tiện vận chuyển dăm gỗ gây rơi vãi trên các tuyến đường. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị kinh doanh cảng tăng cường công tác tuyên truyền đối với các chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa ra, vào cảng tuân thủ nghiêm các quy định về tải trọng cho phép tham gia lưu thông. Các doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm việc đóng góp kinh phí vệ sinh môi trường, trong quá trình vận chuyển hàng rời, dăm gỗ phải thực hiện các biện pháp phù hợp để tránh rơi vãi trên đường; phải xử lý vệ sinh phương tiện trước khi ra, vào cảng. Đơn vị phụ trách công tác môi trường tăng cường tần suất dọn dẹp, thu gọn dăm gỗ. Đối với những doanh nghiệp nào cố tình vi phạm, cần có những biện pháp mạnh tay hơn như tước giấy phép kinh doanh. Hoạt động sản xuất, vận chuyển, kinh doanh dăm gỗ trên địa bàn thành phố phải đặt trong tổng thể chiến lược bảo vệ môi trường và bám sát quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.