Theo báo cáo của UBND TP Hạ Long, tổng số dư tạm ứng xây dựng cơ bản từ năm 2022, năm 2023 chuyển sang đầu năm 2024 là gần 900 tỷ đồng. Để nâng cao hiệu quả của đầu tư công trong phát triển kinh tế – xã hội, không để ứ đọng nguồn vốn ngân sách, thành phố đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện tình trạng này.
Tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP (ngày 11/11/2021) của Chính phủ về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công, nguyên tắc tạm ứng vốn là chủ đầu tư và nhà thầu thống nhất về mức vốn tạm ứng (theo quy định không quá 30% giá trị hợp đồng, trừ trường hợp cần tạm ứng cao hơn phải được người có thẩm quyền cho phép), thời điểm tạm ứng, mức thu hồi và thời điểm thu hồi tạm ứng từng lần phải được ghi cụ thể trong hợp đồng, phù hợp với tiến độ đầu tư dự án, tiến độ thực hiện hợp đồng và khối lượng thực hiện theo từng năm.
Thực hiện nghiêm túc Nghị định này và chỉ đạo của UBND tỉnh, từ đầu năm đến nay, UBND thành phố đã ban hành 14 văn bản chỉ đạo. Tại các hội nghị giao ban thường kỳ, giao ban thành viên UBND thành phố và các cuộc họp chuyên đề, thành phố cũng yêu cầu các chủ đầu tư sử dụng vốn ngân sách thành phố tập trung tiến độ chuẩn bị đầu tư, thi công dự án đầu tư công để đảm bảo tiến độ giải ngân; đồng thời, thu hồi dứt điểm số dư tạm ứng, đặc biệt là số dư tạm ứng kéo dài từ năm 2023 trở về trước. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực tế vẫn còn một số bất cập dẫn đến tạm ứng kéo dài nhiều năm, chậm thu hồi vốn tạm ứng, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Điển hình như với các khoản thu tạm ứng GPMB, mặc dù các đơn vị chức năng của thành phố thường xuyên kiểm tra, rà soát để sàng lọc, cập nhật đối với danh sách các đối tượng thuộc diện được bồi thường, GPMB đã có phương án được duyệt, tổ chức vận động, giải quyết các vướng mắc kiến nghị để các hộ dân đồng thuận nhận tiền làm cơ sở chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ để giảm bớt số dư tạm ứng quá hạn nhiều năm. Thế nhưng do vẫn còn một số vướng mắc, bất cập trong chính sách bồi thường, hỗ trợ GPMB chưa được giải quyết liên quan đến công tác xây dựng, thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, nguồn gốc đất đai; chính sách bồi thường, hỗ trợ công trình kiến trúc… nên đến nay thành phố mới thu hồi tạm ứng GPMB được gần 270 tỷ đồng, vẫn còn khoảng 170 tỷ đồng số vốn tạm ứng GPMB chưa hoàn tất được thủ tục thu hồi tạm ứng theo quy định. Số tiền này chủ yếu do các hộ dân chưa đồng thuận nhận tiền theo phương án bồi thường được duyệt, còn phát sinh các kiến nghị.
Đối với số dư tạm ứng hợp đồng xây lắp là gần 454 tỷ đồng, tính đến ngày 31/7, thành phố thu hồi gần 132 tỷ đồng, còn 322 tỷ đồng chưa thu hồi. Nguyên nhân vướng mắc được xác định là trong quá trình triển khai các thủ tục thực hiện đầu tư dự án (thủ tục về giao đất, cấp quyền khai thác, vận chuyển nguồn đất đắp, đổ thải…) đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công xây lắp. Một số công trình cuối tháng 12/2023, mới hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu xây lắp, khởi công và tạm ứng hợp đồng, do đó việc thu hồi tạm ứng hợp đồng đã ký kết cũng như theo tiến độ thực hiện thực tế không đảm bảo được việc thu hồi tạm ứng trước 30/6/2024.
Liên quan tới 240 tỷ đồng từ các dự án còn dư tạm ứng xây lắp, chủ yếu tập trung tại 6 dự án tạm ứng cuối năm 2023 chuyển sang năm 2024. Đến thời điểm này, vẫn còn 5 dự án có giá trị tạm ứng xây lắp vẫn đang trong thời hạn thực hiện để thu hồi theo quy định, chưa phải gia hạn thời gian tạm ứng xây lắp.
Như vậy, tính đến hết ngày 31/7, thành phố đã thu hồi tạm ứng xây dựng cơ bản từ năm 2022, năm 2023 chuyển sang đầu năm 2024 là trên 410 tỷ đồng (đạt 46% tổng số dư tạm ứng). Một con số chưa thực sự đạt được như kỳ vọng đặt ra. Theo ông Vũ Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long, để đảm bảo việc thu hồi dứt điểm số dư tạm ứng, UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp với từng nhóm dự án. Trong đó, yêu cầu các đơn vị nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ, bổ sung máy móc thiết bị, nhân lực triển khai thi công các dự án đã có mặt bằng và nguồn đất đắp để có khối lượng thanh toán, thu hồi dứt điểm các khoản tạm ứng.
Đối với các dự án đang thực hiện đã có khối lượng hoàn thành, khẩn trương nghiệm thu khối lượng, hoàn tất thủ tục thanh toán để làm việc với Kho bạc nhà nước thu hồi hết số vốn tạm ứng quá hạn. Đối với các dự án chưa có khối lượng hoàn thành để thu hồi hết tạm ứng do vướng mắc về GPMB, nguồn đất đắp… Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố sẽ làm việc với từng đơn vị, thống nhất một số nội dung về điều chỉnh điều khoản hợp đồng và phương án thu hồi đối với các khoản tạm ứng mà không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích phải nộp hoàn trả ngân sách nhà nước. Đối với các khoản tạm ứng GPMB, quản lý dự án, thành phố sẽ rà soát các dự án đền bù GPMB có số dư tạm ứng quá hạn kéo dài do vướng mắc về cơ chế, thủ tục hồ sơ, thực hiện nộp trả về tài khoản tiền gửi chủ đầu tư hoặc nộp hoàn trả cho ngân sách nhà nước theo đúng quy định. Sau khi có kết luận của đoàn giám sát của Thanh tra tỉnh, UBND thành phố sẽ yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng rà soát, xác định các khoản tạm ứng quá hạn; các công trình, dự án chưa có thủ tục, hồ sơ để hoàn tạm ứng từ đó đề xuất phương án xử lý, cam kết thực hiện theo các mốc thời gian cũng như biện pháp thực hiện hoàn ứng.
Quan điểm của thành phố là sẽ làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xảy ra tình trạng dự án đã thực hiện từ nhiều năm nhưng chưa thu hồi hết số vốn đã tạm ứng và có các biện pháp nhằm thu hồi hết số vốn đã tạm ứng theo quy định.