Phát biểu kết luận tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong định hướng phát triển bền vững TP Hạ Long” tổ chức tại TP Hạ Long ngày 15/12/2023 nhân kỷ niệm 30 năm thành lập TP Hạ Long (1993-2023), Phó Giáo sư Tiến sĩ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia, đề xuất nên xây dựng một Bảo tàng Văn hoá biển trực thuộc UBND TP Hạ Long quản lý khác biệt với Bảo tàng Quảng Ninh.
Hạ Long có nhiều chất liệu để khai thác xây dựng bảo tàng văn hoá biển. Từ hàng ngàn năm trước, người Việt cổ đã sáng tạo ra nền văn hoá Hạ Long vừa tiếp nhận các yếu tố văn hoá lục địa vừa hoà mình vào không gian văn hoá biển đảo. Các hiện vật phát hiện khảo cổ học cho thấy rằng, vào thời kỳ đá mới, tiếp nối sự phát triển của văn hoá Soi Nhụ, Cái Bèo đã hình thành nên một nền văn hoá Hạ Long phát triển rực rỡ. Bên cạnh việc khai thác biển, chế tác đồ trang sức, cư dân Hạ Long xưa còn biết chế tác đồ đá, gỗ, xương thú. Ở Hạ Long, có sự hiện diện của các hiện vật gốm, các loại rìu bôn có nấc, rìu một vai, xẻng đá từ thời tiền sử.
Về văn hoá phi vật thể, cư dân Hạ Long còn bảo lưu nhiều tri thức dân gian, phong tục tập quán, văn nghệ dân gian các truyền thuyết đặc sắc về biển. Theo Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Kim, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia, đó còn là các lễ hội dân gian miền biển, tục lệ thờ cá ông và các vị thần biển. Các tín ngưỡng đó thể hiện cảm thức của cư dân biển trước sức mạnh của tự nhiên. Không gian văn hoá biển Hạ Long đa dạng, đa tầng, có chiều sâu và đạt đến độ phổ quát cao về sức lan toả. Có thể coi đó là một phức hệ văn hoá về cả giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể được hình thành và lồng ghép trong cảnh quan di sản kỳ quan thiên nhiên hùng vĩ.
Phát huy giá trị di sản văn hoá biển, những năm qua, ngành văn hoá Quảng Ninh và Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã tích cực bố trí những không gian trưng bày và phát huy giá trị của các hiện vật. Không gian biển tại Bảo tàng Quảng Ninh được bố trí tại khu vực tầng 1 là sự kết hợp hài hòa giữa không gian thiên nhiên và biển cả với điểm nhấn là 4 cột trưng bày dạng ống mang hình ảnh núi đá ở Hạ Long. Trong mỗi ống núi lại mở ra một không gian với các chủ đề về địa chất, biển, động, thực vật đặc hữu và các loài côn trùng tại Quảng Ninh. Ngoài ra, hiệu ứng ánh sáng, màn hình led… làm nổi bật hệ sinh thái biển, khiến du khách như lạc vào giữa lòng đại dương mênh mông. Trên khu vực tầng 2 là khu trưng bày những khảo cổ độc đáo mô phỏng đời sống, hoạt động của ngư dân vùng biển Quảng Ninh suốt mấy nghìn năm qua, từ thời tiền sử cho đến hiện đại.
Trước đó, Trung tâm Văn hoá nổi Cửa Vạn được coi là bảo tàng nổi trên Vịnh Hạ Long có từ tháng 5/2006 là một dự án đặc biệt nằm trong dự án Bảo tàng Sinh thái Hạ Long. Không gian trưng bày này đưa đến cho du khách những cảm nhận và có cái nhìn đầy đủ hơn về đời sống vật chất, tinh thần của ngư dân trên Vịnh Hạ Long xưa và nay. Các hiện vật này được trưng bày theo 5 chủ đề chính bao gồm: Phương thức kiếm sống của ngư dân, đời sống vật chất của dân chài, thuỷ cư với cuộc sống đời người, tâm linh và cuộc sống tinh thần, cho hôm nay và cho muôn đời sau. Từ sau năm 2014, thực hiện Đề án di dời nhà bè trên Vịnh Hạ Long, Trung tâm còn bổ sung thêm phần trưng bày cuộc sống của ngư dân ở nơi tái định cư trên bờ.
Tuy nhiên, việc tiếp cận một cách có hệ thống với những không gian trưng bày văn hoá biển vừa kể trên có nhiều khó khăn, hạn chế. Thêm nữa, tiếp cận không gian văn hoá nổi ở Cửa Vạn còn liên quan đến nhiều yếu tố như: Lịch trình di chuyển, phương tiện tàu bè, tu sửa cơ sở vật chất, bảo quản hiện vật, thời tiết, đảm bảo an toàn an ninh trật tự… Bởi vậy, việc xây dựng một bảo tàng chuyên biệt về văn hoá Hạ Long trực thuộc UBND thành phố là hết sức cần thiết.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kim, cùng với nguồn tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên kinh tế thì các nguồn tài nguyên văn hoá nhân văn đã và đang được chuyển hoá tạo thành sức mạnh tổng hoà cho Hạ Long, tạo nên niềm tin, tinh thần cố kết cộng đồng và là động lực mạnh mẽ cho sự phát triển.