Sau hơn 10 năm triển khai và về đích chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), bức tranh nông thôn của TP Hạ Long đã có sự chuyển biến toàn diện, mang lại niềm tin, sự phấn khởi cho người dân. Từ đó xây dựng khu vực nông thôn của thành phố thực sự là những miền quê đáng sống, góp phần vào sự phát triển KT-XH chung của tỉnh.
Hoàn thiện hạ tầng cho vùng khó
Với xuất phát điểm thấp, trước khi sáp nhập vào TP Hạ Long, huyện Hoành Bồ có diện tích tự nhiên rộng nhưng chủ yếu là rừng, núi; tỷ lệ người dân tộc thiểu số khoảng 36,7%, trình độ dân trí không đồng đều, trong đó có 3 xã (Đồng Lâm, Đồng Sơn, Kỳ Thượng) đặc biệt khó khăn; thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 12,2 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo là 19,02%, các xã đạt trung bình mới đạt 4,08/19 tiêu chí và 12,5/39 chỉ tiêu.
Xác định hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông đóng vai trò quyết định đến việc giao thương hàng hóa, đi lại của nhân dân, giai đoạn 2011-2019, huyện Hoành Bồ đã huy động 3.660 tỷ đồng để thực hiện chương trình kiên cố hóa trên 73km kênh mương, nâng cấp, xây mới gần 85km đường trục xã, gần 250km đường thôn, xóm.
Bà Bàn Thị Phương, Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Thượng chia sẻ: Còn nhớ năm 2011, từ trung tâm thị trấn Trới (nay là phường Hoành Bồ) lên tới Kỳ Thượng có khoảng hơn 30km nhưng thường phải mất cả ngày mới tới được. Thậm chí có những đoạn đường ngay cả xe máy cũng không đi nổi mà phải dắt. Thời điểm đó, con đường bê tông nối từ trung tâm thị trấn Trới lên tới trụ sở xã Kỳ Thượng là một giấc mơ lớn không chỉ đối với nhân dân xã Kỳ Thượng mà còn của bất cứ ai đã từng và sẽ được đặt chân lên Kỳ Thượng… Thế nhưng sau khi có chương trình NTM, những tuyến đường bê tông được xây dựng về tận các thôn. Hạ tầng về điện, nước, viễn thông đã đươc đầu tư, không còn bị cô lập như trước.
Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp cũng được định hướng theo hướng sản xuất hàng hóa nông sản tập trung, quy mô lớn, gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm và đã hình thành các vùng sản xuất tập trung…
Tuy nhiên, do nguồn lực thiếu, nên thời điểm sắp kết thúc giai đoạn 1 của chương trình NTM (năm 2019), huyện Hoành Bồ mới có 8/12 xã đạt chuẩn NTM. Trung bình các xã đạt 15,7/20 tiêu chí (tăng 12,2 tiêu chí so với năm 2011). Trong đó, nhiều tiêu chí cứng chưa đạt cao theo bộ tiêu chí mới, như: Môi trường, thu nhập, giảm nghèo…
Tháng 1/2020, huyện Hoành Bồ sáp nhập vào TP Hạ Long. Bên cạnh việc ổn định tổ chức bộ máy, phòng chống dịch Covid-19, thành phố đã dồn lực thực hiện các tiêu chí khó với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị cùng các tầng lớp nhân dân. Ban Thường vụ Thành uỷ đã thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng NTM thành phố; xây dựng và phê duyệt Đề án xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, Đề án thực hiện Chương trình tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi gắn với thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia TP Hạ Long đến năm 2025, với tổng kinh phí thực hiện tại địa bàn các xã trên 6.000 tỷ đồng.
Trong điều kiện nguồn thu ngân sách bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thành phố đã bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách khoảng 2.100 tỷ đồng để cứng hoá đường giao thông, kênh mương nội đồng; xây dựng nhà văn hoá, trường học, trụ sở xã, trạm y tế xã… nhằm hoàn thiện và nâng cao các chỉ tiêu, tiêu chí theo Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2011-2025 và xây dựng xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Trong đó phải kể đến 2 công trình động lực kết nối từ trung tâm thành phố tới các xã với kinh phí trên 1.100 tỷ đồng (nâng cấp, cải tạo, mở rộng đoạn từ nút giao cầu vượt đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn thôn Trại Me, xã Sơn Dương đến thôn Đồng Trà, xã Đồng Lâm; nâng cấp, cải tạo, mở rộng tuyến đường liên xã, đoạn đường từ Mỏ Đông, xã Sơn Dương đến trung tâm xã Đồng Sơn). Hiện thành phố cũng nghiên cứu đầu tư tuyến đường nối từ tỉnh lộ 342 đến QL279 qua trung tâm xã Sơn Dương.
Những công trình đã và đang triển khai ngày càng kéo gần những thôn bản xa xôi với vùng trung tâm, giảm khoảng cách về trình độ, nhận thức, chênh lệch giàu nghèo giữa người dân trên địa bàn thành phố với những khu vực khác.
Người dân chủ động phát triển kinh tế
Với mục tiêu lấy sản xuất làm gốc trong xây dựng NTM, thành phố đã tuyên tuyền, vận động, hỗ trợ người dân nuôi gần 600.000 con gà, sản xuất hàng hoá theo hướng Việt GAP, phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông thôn, hướng dẫn người dân có sản phẩm tiềm năng tham gia vào chu trình OCOP… Hết năm 2022, toàn thành phố có 65 sản phẩm tham gia chương trình OCOP, trong đó có 29 sản phẩm được xếp hạng, toàn bộ các sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử.
Ông Đặng Tằng Kim (thôn Đồng Quặng, xã Đồng Lâm, TP Hạ Long) phấn khởi cho biết: Chương trình xây dựng NTM quả thật đã làm thay đổi diện mạo của Đồng Lâm cũng như nhiều xã của thành phố. Người dân phát triển kinh tế nhiều ngành nghề hơn nên đời sống cũng khá hơn nhiều…
Từ sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước đã mang lại những bước tiến dài trong chuyển đổi về tư duy kinh tế. Anh Lý Tài Ngân, Giám đốc Công ty CP Am Váp Farm (xã Kỳ Thượng) chia sẻ: Vài năm về trước, hầu hết người dân ở đây quen với canh tác manh mún, độc canh và cuộc sống phụ thuộc chính vào nguồn tự tạo tài nguyên rừng. Ngày nay vẫn chính mảnh đất ấy, đồng bào dân tộc đã biết vận dụng những cách làm ăn mới. Ở Kỳ Thượng nhiều người đã cùng nhau thành lập doanh nghiệp, góp vốn với số tiền hơn 7 tỷ đồng để đầu tư xây dựng mô hình dịch vụ, du lịch trải nghiệm.
Hơn 10 năm xây dựng NTM, TP Hạ Long đã đạt được những kết quả đáng tự hào. Đến hết năm 2022, 12/12 xã đạt 19/19 tiêu chí, 57/57 chỉ tiêu theo Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2016-2020. Riêng Sơn Dương đạt 19/19 tiêu chí, 75/75 chỉ tiêu theo Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 64 triệu đồng/người/năm (cao hơn 9,7 triệu đồng/người/năm so với ước mức bình quân chung của tỉnh). Thành phố không còn hộ nghèo và cận nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND TP Hạ Long khẳng định: Những thành tích trong xây dựng NTM một lần nữa khẳng định ý chí tự lực tự cường, tinh thần đoàn kết, quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân thành phố. Giai đoạn tới, thành phố sẽ tiếp tục lắng nghe, tìm tòi, sáng tạo để nâng chất các tiêu chí, thực hiện xây dựng xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu phát triển bền vững, góp phần xây dựng một Quảng Ninh giàu đẹp, văn minh, hiện đại.